*Saudi Arabia - Việt Nam: 1h thứ Sáu 3/9, giờ Hà Nội
Biên trái của Saudi Arabia gồm hậu vệ Yasser Al-Shahrani và tiền vệ Salem Al-Dawsari đều có thể lực và khéo léo, đặc biệt là khi tấn công. Để khắc chế họ, HLV Park Hang-seo nhiều khả năng phải dùng sơ đồ 5-4-1. Trong đó, ông có thể dùng cả Trọng Hoàng và Văn Thanh chơi cùng cánh phải để chống lại sức công từ hướng này. Nhưng, Saudi Arabia vẫn sở hữu những phương án tấn công khác sẽ khiến hàng thủ Việt Nam rất vất vả.
Saudi Arabia thắng cả năm trận gần nhất, ghi 15 bàn và không thủng bàn nào. Trong đó, thầy trò Renard thắng 3-0 trước Uzbekistan - đội bóng đứng trên Việt Nam ở bảng thứ tự FIFA. Họ đều chơi trên sân nhà Mrsool Parl (hay King Saud University) năm trận này, và cũng sẽ tiếp Việt Nam ở đó, tại lượt đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Saudi Arabia gọi chín tuyển thủ từng dự World Cup 2018 để đấu với Việt Nam và Oman. Thủ môn Mohammed Al-Owais sẽ bắt chính, nhờ kinh nghiệm chơi ở World Cup 2018 gặp Uruguay ở vòng bảng. Trận đó thủ môn cao 1m87 để thủng một bàn, trong thất bại 0-1.
Không như Việt Nam, Saudi Arabia không dùng một hàng thủ cố định. Chỉ hậu vệ trái Yasser Al-Shahrani chơi cả bốn trận gần nhất. Shahrani cũng giàu kinh nghiệm nhất ở đội tuyển Saudi Arabia hiện tại, và thường tạo ra nguy hiểm mỗi khi dâng lên tham chiến. Anh có thể rê bóng bằng cả hai chân, tức là có thể dốc dọc biên hoặc cắt vào trung lộ để sút xa hoặc lật cánh.
Các vị trí còn lại ở hàng thủ Saudi Arabia không quá nổi bật. Ở trung vệ, HLV Renard có thể dùng hai trong ba cầu thủ Ali Al-Bulaihi, Mohammed Al-Khabrani và Abdullah Madu. Trong đó, Madu thể hình tốt, cao 1m87 và thường được dùng khi đối phương có trung phong cao to. Đối mặt Nguyễn Tiến Linh, Madu nhiều khả năng không đá.
Saudi Arabia chơi với sơ đồ 4-2-3-1, giống như UAE. HLV Renard ưa dùng cặp tiền vệ trung tâm Abdulellah Al-Malki và Abdullah Otayf. Malki chủ yếu phòng ngự và đánh chặn, còn Otayf chơi như một tiền vệ kiến thiết lùi sâu, nhận bóng từ tuyến dưới để triển khai lên. Hai cầu thủ này đã chơi ba trong bốn trận gần nhất.
Điểm nhấn của đội tuyển có biệt danh "Chim Ưng Xanh" nằm ở hàng công, đáng chú ý là tiền vệ phải Fahad Al-Muwallad. Anh là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất đội tuyển Saudi Arabia lúc này, với 17 bàn qua 61 trận. Muwallad chỉ cao 1m67, nhưng được coi là cầu thủ châu Á chạy nhanh bậc nhất lịch sử, theo chỉ số từ game FIFA.
Tiền vệ trái Saudi Arabia là Salem Al-Dawsari, cũng nguy hiểm không kém với kinh nghiệm chơi bóng ở La Liga cho Villarreal. Dawsari nổi bật ở khả năng cầm bóng và rê dắt, rồi chuyền bóng tạo cơ hội hoặc dứt điểm. Anh từng rê qua nhiều hậu vệ danh tiếng như Mats Hummels, Joshua Kimmich hay thậm chí cả thủ môn Gianluigi Donnarumma. Với sự dâng cao của Shahrani để phối hợp, cánh phải của họ càng nguy hiểm.
Ở vị trí hộ công, Renard luôn đặt niềm tin vào tiền vệ đội trưởng Salman Al-Faraj. Tưởng như Faraj sẽ không thể dự trận gặp Việt Nam khi anh bỏ dở các buổi tập để về chịu tang người bà. Nhưng, Faraj đã trở lại tập cùng đội chủ nhà hai ngày trước cuộc đón tiếp Việt Nam.
Trong lối chơi của Saudi Arabia, vị trí trung phong không ảnh hưởng quá lớn. Hai cầu thủ chơi vị trí này là Saleh Al-Shehri hoặc Abdullah Al-Hamdan đều không quá nổi bật so với các đồng đội trên hàng công, hay so với tiền đạo cắm của UAE. Nhưng họ đều có thể hình tốt, cao trên 1m83 và dày cơm, sẽ có lợi thế khi tranh chấp tay đôi với các trung vệ Việt Nam.
Lối chơi của Saudi Arabia không có nhiều điểm yếu so với mặt bằng chung châu Á. Trong ba bàn thua gần nhất của họ, một bàn từ sai lầm cá nhân, một từ cú sút xa và một từ pha hổng biên trái. Trận gần nhất Saudi Arabia thủng nhiều hơn một bàn là thất bại 1-3 trước Kuwait ở Cup vùng Vịnh 2019. Khi đó, khả năng chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự của họ lộ nhiều vấn đề.
Việt Nam khó có thể gây áp lực tầm cao để ép đối thủ mắc sai lầm, nhưng có thể tập trung vào những tình huống phản công hay bóng chết. Nếu chắt chiu cơ hội, thầy trò Park có thể làm nên bất ngờ. Nhưng trước hết, họ cần hoá giải nhiều mũi công nguy hiểm từ chủ nhà.
Xuân Bình