Nikki Haley, ứng viên đảng Cộng hòa vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, tuần qua gây tranh cãi với thông điệp ám chỉ ông Donald Trump, 76 tuổi, đã quá già để ngồi vào ghế chủ nhân Nhà Trắng.
Trước khi tuyên bố ra tranh cử hồi tháng 2, bà Haley, cựu đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, luôn cố giữ khoảng cách với ông Trump, trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của các cử tri trung lập trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và xa hơn là cuộc đua song mã với đại diện đảng Dân chủ năm 2024.
Nhưng nữ chính trị gia 51 tuổi này cũng hạn chế công kích trực diện ông Trump, tránh đánh mất số phiếu tiềm năng từ bộ phận cử tri trung thành với cựu tổng thống Mỹ. Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 19/2, bà lảng tránh câu hỏi về cựu tổng thống, khẳng định chiến dịch tranh cử "không tập trung vào ông Trump" và bà chỉ muốn xoáy sâu vào chính sách của tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Phần lớn ứng viên Cộng hòa lẫn các chính trị gia có thể tuyên bố tranh cử trong tương lai đều chọn chiến thuật tương tự bà Haley, khi cái bóng của ông Trump vẫn bao trùm đảng Cộng hòa.
Chris Sununu, thống đốc bang New Hampshire, người được đồn đoán sẽ sớm tham gia cuộc đua, cam kết vẫn sẽ ủng hộ ông Trump trong trường hợp cựu tổng thống Mỹ được chọn làm đại diện tranh cử của đảng Cộng hòa. Tuyên bố này trái ngược với phát biểu gần một năm trước của Sununu tại một sự kiện ở Washington, khi ông đùa rằng Donald Trump "hết sức điên rồ".
Doanh nhân Vivek Ramaswamy, một ứng viên tiềm năng khác trong cuộc đua, cũng tuyên bố mình tranh cử "không phải để đấu với ông Trump", dù đảng Cộng hòa sau tháng 7/2024 chỉ chọn một người làm đại diện bước tiếp vào vòng bầu cử tổng thống.
Mọi ứng viên Cộng hòa dường như đều từ chối thừa nhận điều hiển nhiên rằng họ đang cạnh tranh trực tiếp với ông Trump. Nó cho thấy ảnh hưởng của cựu tổng thống Mỹ đối với cử tri Cộng hòa vẫn được duy trì suốt 6 năm qua, đến mức những ai phản đối ông cũng phải vô cùng thận trọng.
Bất chấp xu hướng "thoát Trump" trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa hay loạt sóng gió pháp lý ập tới với cựu tổng thống Mỹ gần đây, khoảng 1/3 cử tri đảng Cộng hòa hoặc người Mỹ có xu hướng bảo thủ cho biết họ ủng hộ ông Trump còn nhiều hơn ủng hộ phe Cộng hòa, theo khảo sát của NBC.
Trong bộ phận cử tri dự kiến tham gia bầu cử sơ bộ của đảng, khoảng 28% cho biết họ trung thành với cựu tổng thống, thậm chí sẵn sàng bỏ phiếu cho Trump nếu ông rời đảng và tranh cử ở vị thế ứng viên độc lập, theo khảo sát hồi tháng 2 của hãng thăm dò Whit Ayres cùng trang Bulwark. Mức độ trung thành mà cử tri Cộng hòa dành cho Trump là điều mà các đối thủ của ông không thể làm ngơ.
"Cơ hội duy nhất cho các đối thủ của ông Trump là khi ông ấy bỗng nhiên bị ốm trên sân golf. Nói cách khác, họ không còn chiến thuật nào hữu hiệu trong tay để đối phó với Trump", Fergus Cullen, cựu lãnh đạo Cộng hòa tại bang New Hampshire, bình luận.
Các ứng viên Cộng hòa dường như đang tìm cách đi đường vòng, cạnh tranh với cựu tổng thống bằng những phương án ít đối đầu trực diện hơn.
Ron DeSantis, thống đốc bang Florida, được coi là đối thủ tiềm năng nặng ký nhất của ông Trump trong bầu cử sơ bộ, dù ông này chưa tuyên bố tranh cử. Chính trị gia 44 tuổi chọn xây dựng hình ảnh tương phản với cựu tổng thống, xoáy vào các thành tựu chính trị của mình trong năm 2022, song cũng không muốn công kích trực tiếp ông Trump.
"Tôi dành thời gian thực hiện đúng cam kết của mình cho người dân Florida và thách thức ông Joe Biden. Tôi không phung phí thời gian để bôi nhọ những chính trị gia khác trong đảng", ông nói vào đầu tháng 2.
Scott Walker, cựu thống đốc bang Wisconsin và từng là đối thủ của ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ năm 2016, cho rằng chiến thuật của DeSantis có cơ hội thành công, vì cục diện chính trường hiện nay khác với giai đoạn ông Trump mới nổi lên. Nhóm cử tri không thích ông Trump trong đảng Cộng hòa có thể dồn phiếu bầu cho ứng viên sáng giá còn lại để chặn đường cựu tổng thống, phần nào đó giống với những gì đã diễn ra trong cuộc đua Trump - Biden trong bầu cử tổng thống năm 2021.
Dù vậy, Walker cho rằng ông Trump vẫn vô cùng khôn khéo trên chính trường. Điển hình là màn xuất hiện bất ngờ ở Ohio vào cuối tháng 2, thăm hiện trường vụ xe lửa chở hóa chất độc hại bị trật đường ray. Những hành động như vậy phần nào sẽ giúp ông Trump mở rộng nhóm ủng hộ trong đảng. "Đó là ví dụ điển hình cho thấy ông Trump đã đắc cử năm 2016 bằng cách nào", Walker nói.
Thế khó của các ứng viên còn lại trong đảng Cộng hòa là càng nhiều người tranh cử thì lợi thế của ông Trump ở vòng bầu cử sơ bộ càng cao. Trong khi số phiếu bầu trung thành dành cho cựu tổng thống không thay đổi, số phiếu còn lại của cử tri đảng sẽ phân tán cho nhiều ứng viên hơn, từ đó giúp ông Trump tiến sâu hơn ở bầu cử sơ bộ, cho đến chặng đua quyết định trước hội nghị toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7/2024.
Trong trường hợp thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ, ông Trump vẫn có thể là đối thủ đáng gờm của các ứng viên Cộng hòa, nếu ông quyết định tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Khi đó, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa sẽ lập tức mất một lượng lớn phiếu bầu trong vòng bầu cử tổng thống.
Nếu ông Trump chọn không nhảy vào cuộc đua, ông vẫn có khả năng ngáng đường người đã thắng mình ở bầu cử sơ bộ bằng cách công kích hay gieo hoài nghi về gian lận phiếu bầu, như những gì ông từng làm ở bầu cử tổng thống năm 2020 hay bầu cử giữa kỳ cuối năm ngoái.
"Điều khiến mọi người e sợ là ông ấy đứng bên ngoài cuộc đua nhưng vẫn tìm cách trả đũa", Sarah Longwell, chuyên gia chiến lược chính trị của đảng Cộng hòa nhưng ủng hộ ông Biden vào năm 2020, nhận định. "Chính mối đe dọa này khiến các ứng viên ngại va chạm với cựu tổng thống ở giai đoạn đầu cuộc đua, thay vào đó chọn tìm cách thu hút dần một bộ phận cử tri trung thành với ông".
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Cộng hòa Ronna McDaniel đang nỗ lực kiểm soát nguy cơ đó bằng cách yêu cầu mọi ứng viên, trong đó có ông Trump, ký cam kết ủng hộ người giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ. Người không ký cam kết sẽ không được mời dự bất kỳ cuộc tranh luận nào do đảng tổ chức trong bầu cử sơ bộ.
Ông Trump đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này, tuyên bố "tùy ai thắng thì mới quyết định ủng hộ hay không". Trong khi đó, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định ông không cần cam kết vì đã nắm chắc phần thắng.
Nguồn tin thân tín với Trump cho hay cựu tổng thống có thể đưa ra tuyên bố quyết liệt như vậy vì ông biết rằng những cử tri trung thành sẽ không bao giờ rời bỏ ông.
"Ông ấy xây dựng bệ phóng nhờ phiếu bầu của những người Mỹ bị lãng quên. Họ đã ủng hộ Trump khi ông tuyên bố tranh cử vào năm 2015. Họ ở lại với ông ấy vào năm 2020 và họ sẽ không bao giờ quay lưng với Trump", nguồn tin này nói.
Thanh Danh (Theo Politico)