Trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ Sebastian Gorka hôm 18/3, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được hỏi tại sao những thành viên đảng Dân chủ, như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, "ghét bỏ" Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Schumer gần đây kêu gọi tổ chức bầu cử mới ở Israel nhằm tìm ra người thay thế ông Netanyahu, gọi Thủ tướng Israel là một trong 4 "thách thức lớn" đối với giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine và hòa bình khu vực.
"Tôi thực sự nghĩ họ ghét Israel. Đảng Dân chủ đều ghét Israel", ông Trump trả lời.
Theo cựu tổng thống Mỹ, tuy là người người Do Thái, ông Schumer đã trở thành người "có quan điểm chống Israel" vì lý do chính trị, khi các cuộc biểu tình lớn ủng hộ người Palestine đã diễn ra trên khắp nước Mỹ giữa bối cảnh chiến sự ở Gaza.
"Bất cứ người Do Thái nào bỏ phiếu cho đảng Dân chủ đều ghét bỏ tôn giáo của họ. Họ ghét mọi thứ về Israel và họ nên tự thấy hổ thẹn vì Israel sẽ bị hủy hoại vì điều đó", ông Trump nói.
Các nhóm Do Thái và chính quyền Tổng thống Joe Biden lập tức chỉ trích phát biểu này của ông Trump.
"Đó là hành vi phỉ báng và sai trái khi cáo buộc người Do Thái ghét bỏ tôn giáo chỉ vì họ có thể bỏ phiếu cho đảng nào đó", Jonathan Greenblatt, đứng đầu Liên đoàn Chống phỉ báng, nhóm ủng hộ người Do Thái, cho hay. "Những lãnh đạo quan tâm liên minh Mỹ - Israel nên tập trung tăng cường sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho Nhà nước Israel".
Người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates lưu ý các sự việc bài Do Thái đã tăng vọt trên toàn cầu sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát tháng 10/2023.
"Không có lý do chính đáng nào cho việc truyền bá những định kiến sai trái, độc hại đe dọa người dân trong nước. Tổng thống Biden sẽ không bao giờ để sự thù ghét có bất kỳ bến đỗ an toàn nào", Bates nói.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Schumer gọi bình luận của Trump là "cực kỳ mang tính đảng phái và thù ghét". Phát ngôn viên chiến dịch tái tranh cử của ông Biden, James Singer, cho rằng "người duy nhất nên hổ thẹn là Donald Trump" vì "công khai hạ nhục người Mỹ gốc Do Thái".
Ông Trump nhiều lần khẳng định ủng hộ nhiệt thành Israel. Trong nhiệm kỳ của mình, Trump công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel, chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và chính quyền của ông ký Hiệp ước Abraham để bình thường hóa quan hệ giữa các nước ở Trung Đông.
Tuy nhiên, cựu tổng thống Mỹ cũng vấp phải phản ứng dữ dội vì thường xuyên cho rằng người Do Thái không ủng hộ ông về mặt chính trị hoặc những người không ủng hộ Israel là "bất trung".
Tháng 9 năm ngoái, Trump chỉ trích "người Do Thái theo chủ nghĩa tự do" vì không đánh giá cao thành tựu của chính quyền ông về Israel và kêu gọi họ "đưa ra lựa chọn tốt hơn". Vào tháng 10, vài ngày sau khi Hamas đột kích lãnh thổ Israel, ông Trump cho rằng "bất kỳ ai yêu mến Israel" đều không thể bỏ phiếu cho đảng Dân chủ.
Huyền Lê (Theo Hill, Politico, Reuters)