"Tôi rất vui mừng khi đề cử tướng Keith Kellogg làm Trợ lý Tổng thống và đặc phái viên về Ukraine và Nga", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội hôm 27/11. "Ông Keith đã có sự nghiệp quân sự và kinh doanh xuất sắc, trong đó có việc đảm nhiệm các vai trò an ninh quốc gia nhạy cảm trong chính quyền của tôi".
Trung tướng về hưu Kellogg, 80 tuổi, từng nắm một số chức vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, như chánh văn phòng hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng hay cố vấn an ninh quốc gia của ông Mike Pence, người khi đó là Phó tổng thống Mỹ. Ông cũng là gương mặt quen thuộc trên truyền hình nước này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden không có đặc phái viên về xung đột Nga - Ukraine. Hãng thông tấn Reuters nhận định ông Kellogg nhiều khả năng sẽ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết xung đột.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ đóng vai trò trung gian để giúp Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn ngay sau khi quay lại Nhà Trắng, song không nêu phương pháp cụ thể.
Những người chỉ trích ông Trump cho rằng chính trị gia này có thể sẽ sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ để gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận thỏa thuận với Nga, trong đó Kiev phải từ bỏ các vùng lãnh thổ đang bị Moskva kiểm soát và cam kết không gia nhập NATO.
Trong bài nghiên cứu học thuật mà bản thân là đồng tác giả được xuất bản gần đây, ông Kellogg cũng kêu gọi Mỹ dùng viện trợ cho Ukraine để thúc đẩy hòa đàm giữa Kiev và Moskva.
"Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine để đảm bảo Nga không thể tiến xa hơn hay tấn công lần nữa sau khi hai bên đạt được lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình", bài nghiên cứu có đoạn. "Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Mỹ trong tương lai sẽ yêu cầu Ukraine phải tham gia hòa đàm với Nga".
Tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) hồi tháng 7, ông Kellogg nhấn mạnh lựa chọn của Ukraine trong xung đột với Nga là "tương đối rõ ràng".
"Ukraine không muốn đàm phán cũng được, song phải chấp nhận có thể sẽ hứng chịu tổn thất to lớn ở các thành phố và trẻ em sẽ mất mạng. Họ cũng phải chấp nhận thương vong sẽ không dừng ở mức 130.000 người chết, mà lên tới 230.000-250.000 người", tướng về hưu cho biết.
Quân đội Ukraine đã nhận được gần 60 tỷ USD viện trợ từ Mỹ sau khi xung đột ở nước này bùng phát vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng đang khiến những người ủng hộ Ukraine lo ngại nguồn tài trợ này sẽ sớm bị cắt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/11 cảnh báo nước này sẽ thua trong cuộc chiến với Nga nếu Washington cắt viện trợ cho Kiev.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)