"Cần trả lời câu hỏi lớn là chính quyền có mấy cấp? Mỗi cấp chính quyền gồm những cơ quan nào? Từ đó mới trả lời được có ba hay bốn cấp chính quyền? Có bỏ cấp huyện hay không? Từng cấp có đầy đủ HĐND và UBND hay không?", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi góp ý xây dựng dự luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 13/2.
Theo ông Mãi, những vấn đề nêu trên hiện chưa được làm rõ trong dự thảo. Khi tường minh các cấp trong mô hình chính quyền, mối quan hệ giữa UBND và Ủy ban hành chính sẽ đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Đây cũng là cơ sở để đề xuất sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan.
Hà Nội và Đà Nẵng đang thí điểm thực hiện nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị. Riêng TP HCM đã thực hiện theo nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị được 5 năm. Thời gian tới, thành phố sẽ đề xuất khung pháp lý thay thế nghị quyết 131 để đảm bảo quản lý, vận hành tốt đô thị đặc biệt như TP HCM.
Ông cho rằng việc sửa đổi các quy định lần này cần đề xuất khung pháp lý phù hợp. Mục tiêu là vừa duy trì những điểm hợp lý của chính quyền đô thị Hà Nội, Đà Nẵng và nghị quyết về chính quyền đô thị TP HCM, đồng thời cần thể chế chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Cơ chế đưa ra cần để địa phương quyết đúng thẩm quyền, thực hiện và chịu trách nhiệm.
![Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại tổ ở Quốc hội sáng 13/2. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/z6313847793696-fdbd9e3cf4f09e8-1977-1174-1739434321.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3RmcKiach1_TF4I1gbFG5Q)
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại tổ ở Quốc hội sáng 13/2. Ảnh: Giang Huy
"Các quy định về HĐND cần nghiên cứu kỹ để xác định được quyền lực nhân dân thông qua các đại biểu dân bầu. Nghĩa là cần tăng trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết trước khi sắp xếp, Sở Tư pháp và Nội vụ TP HCM đã rà soát cho thấy có 70% quy định nằm ở thẩm quyền chung và 30% là thẩm quyền riêng. Vì vậy, càng phân cấp, phân quyền cụ thể, kỹ lưỡng thì càng dễ thực hiện.
Theo quy định, thẩm quyền HĐND được quyết rất nhiều chủ trương, chiến lược, kế hoạch, dự toán ngân sách, "nhưng thực tế chỉ hợp thức hóa nhiệm vụ trên giao". Ông dẫn chứng năm 2025, TP HCM được Trung ương giao thu ngân sách 509.000 tỷ đồng, HĐND giao thu 520.000 tỷ đồng. Nhưng nếu thành phố thu được 550.000 tỷ đồng, tức vượt 30.000 tỷ đồng thì sẽ phải làm quy trình "rất mất công". Năm 2022, thành phố thu vượt 100.000 tỷ đồng nhưng hai năm sau mới được phân chia khoản này.
Đại học Quốc gia TP HCM là đơn vị trung ương nằm trên địa bàn nhưng thành phố muốn đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đầu tư trung tâm nghiên cứu, đào tạo giáo sư cũng không quyết được. "Năm 2030, nếu Đại học Quốc gia TP HCM được đầu tư 15.000-20.000 tỷ đồng thì sẽ xây dựng được khu đô thị đại học như Thủ Thiêm. Nhưng vấn đề là ngân sách có đầu tư hay không? Thành phố muốn làm thì HĐND có quyết được không?", ông Mãi băn khoăn.
Chưa thể bỏ HĐND cấp xã
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định "hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã". Một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Những nơi có chủ trương thí điểm thì tiếp tục thực hiện, sau đó tổng kết để xem xét nhân rộng. Tuy nhiên, nếu mở rộng mô hình này thì phải sửa Hiến pháp.
Theo ông Mẫn, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương chính là ở HĐND. "Nếu bỏ HĐND thì nhân dân làm chủ ở đâu", ông nói, cho biết thông qua HĐND, nhân dân thể hiện quyền làm chủ, giám sát hoạt động của chính quyền.
Trước đề xuất UBND hoạt động theo chế độ "thủ trưởng", ông Mẫn cho rằng UBND do HĐND bầu, hoạt động theo chế độ tập thể. Chủ tịch UBND quyết định trên cơ sở thảo luận tập thể "chứ không phải cá nhân quyết định tất cả".
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/202502121322277051-z81-0410s-1-9371-6409-1739440561.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cLjbbwE07iRV4MqOUAVGoA)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Giang Huy
Tại dự thảo giữa tháng 1, Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước. Tuy nhiên, dự thảo trình kỳ họp lần này đã bỏ đề xuất nêu trên, giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như luật hiện hành; trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Dự luật nêu các đơn vị hành chính của Việt Nam bao gồm cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), xã (xã, phường, thị trấn) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, các đảo, quần đảo là đơn vị hành chính cấp huyện có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã gồm có HĐND và UBND; trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Quốc hội quy định tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt khi thành lập.
Viết Tuân