- Trận hòa của Việt Nam trước Nhật Bản gây tranh cãi. Người cho là kỳ tích, nhưng có ý kiến nói rằng đó là may mắn bởi đội bóng của HLV Park Hang-seo hoàn toàn lép vế nếu so về các chỉ số. Cá nhân ông đánh giá thế nào?
- Đối với tôi, đấy là màn trình diễn đáng tự hào. Với lực lượng thiếu trước hụt sau, lại thi đấu trên sân của đội tuyển mạnh bậc nhất châu lục, Việt Nam vẫn nỗ lực và bản lĩnh đến cùng. Đặc biệt là sự tiến bộ ở hàng phòng ngự với hai cầu thủ trẻ chơi bên cạnh Quế Ngọc Hải. Chiến thuật của HLV Park Hang-seo cũng hợp lý. Ông sử dụng sơ đồ 5-4-1 nhằm tận dụng khả năng hỗ trợ phòng ngự của tiền đạo Phạm Tuấn Hải, làm chậm nhịp độ tấn công của đối thủ. Như chúng ta đã thấy, thể lực sung mãn của Tuấn Hải giúp tuyến giữa cứng cáp hơn, qua đó cải thiện khả năng phòng ngự từ xa. Hàng thủ với chiều cao tốt cũng khiến những đường căng ngang của Nhật Bản hầu như không hiệu quả.
Cũng đừng nói rằng trận này Nhật Bản chơi lỏng chân. Có thể họ không chủ định bung sức từ đầu, nhưng quyết tâm chiến thắng là chắc chắn. Bởi, dù giành vé sớm, họ vẫn cần ba điểm để đảm bảo vị trí số một châu Á và thứ 21 thế giới. Vị trí này rất quan trọng, bởi nó có thể giúp họ duy trì hy vọng vào nhóm hạt giống số hai ở World Cup. Tuy nhiên, vì không thể đánh bại Việt Nam, Nhật Bản chắc chắn rơi vào nhóm ba và đối diện nhiều hơn với khả năng gặp các đối thủ mạnh ở vòng bảng World Cup.
- Hai cầu thủ trẻ chơi cạnh Quế Ngọc Hải mà ông nhắc đến là Thanh Bình và Việt Anh - đều đá trọn 90 phút. Theo ông, họ có thể đóng vai trò thế nào ở đội U23 tại SEA Games 31?
- Đây là hai cầu thủ có chuyên môn tốt, thể hình và tư chất của các trung vệ hiện đại. Họ được thi đấu nhiều ở đội tuyển, được thử thách ở những trận cầu lớn. Bên cạnh đó, họ được HLV trưởng và đồng đội tin tưởng. Trận gặp Nhật Bản là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành của họ. Trước sức ép liên tục của đối thủ, và những quả tạt khó từ các cầu thủ đẳng cấp, họ vẫn giữ bình tĩnh và bản lĩnh. Tất nhiên, sự bọc lót của Quế Ngọc Hải cũng giúp họ an tâm hơn. Có thể nói, xem hai trung vệ trẻ này thi đấu, chúng ta không còn nhớ những đàn anh vắng mặt. Tôi nghĩ Thanh Bình và Việt Anh sẽ tỏa sáng ở SEA Games 31. Ở bình diện giải đấu đó, họ là những cầu thủ giàu kinh nghiệm và sẽ là đầu tàu của Việt Nam.
- Việt Nam thường bị đánh giá thấp ở những tình huống cố định, nhưng bất ngờ ghi bàn phạt góc trước Nhật Bản. Đâu là nguyên nhân?
- Nhật Bản đã tính toán sai. Họ nghĩ Việt Nam không có ưu thế thể hình nên sẽ đá vào góc gần rồi tạo ra những tình huống đánh đầu ngược. Đó là cách Việt Nam thực hiện phạt góc ở những trận trước nên Nhật Bản muốn bắt bài. Ngay khi Công Phượng thực hiện cú đá, số đông cầu thủ chủ nhà di chuyển đến cột gần để phòng ngự nhưng rốt cuộc, bóng đi về phía sau. Ở đó, không gian rộng mở, hai cầu thủ cao lớn của chúng ta bật lên trong khi Nhật Bản chỉ có một người phòng ngự. Tất nhiên, chiến thuật là một chuyện. Chất lượng các quả phạt cũng quan trọng. Trước Oman, chúng ta được hưởng phạt góc nhiều nhưng không thể ghi bàn, trong khi đối thủ tận dụng được. Điều tương tự xảy ra với Nhật Bản khi pha đá phạt của Công Phượng đến đúng vị trí cần đến.
- Ông đánh giá thế nào về hành trình của Việt Nam tại giai đoạn ba vòng loại World Cup 2022?
- Tôi thấy sự tiến bộ rõ rệt. Ở một số trận đấu, đội tuyển còn phạm những sai lầm có phần ngây ngô, những khoảnh khắc thiếu tập trung hay động tác thừa. Nhưng càng về sau, các cầu thủ càng chín chắn hơn, trưởng thành hơn. Tập thể chơi kỷ luật hơn. Điều quan trọng nhất có thể nhìn thấy là các đội bóng mạnh ở châu lục muốn thắng Việt Nam cũng không dễ, đặc biệt là không thể xem thường hàng thủ cũng hàng tiền vệ của Việt Nam. Tuy nhiên, đội tuyển vẫn còn những điểm yếu về thể lực và thể hình để đối thủ có thể khai thác.
- Liệu sự tiến bộ này đã đủ để Việt Nam hướng tới mục tiêu tham dự World Cup 2026?
- World Cup 2026 sẽ tăng số đội tuyển tham dự lên 48 (thay vì 32 như trước), nhưng mức độ cạnh tranh vẫn lớn. Việc Việt Nam có cơ hội hay không phụ thuộc vào chất lượng của lứa cầu thủ ba - bốn năm nữa.
Nhiều người lo ngại, khi thế hệ hiện tại qua sườn dốc bên kia sự nghiệp, sẽ không có lớp kế cận xứng đáng. Thực tế, chúng ta từng có mối lo đó khi lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn giải nghệ, nhưng rồi lại có lứa Công Vinh, Vũ Phong, Minh Phương... Sau lứa đó là Quang Hải, Xuân Trường... Nhìn chung, tôi tin tưởng bóng đá Việt Nam sẽ có sự tiếp nối bởi khâu đào tạo bây giờ đã bài bản hơn, nhiều hơn, giải vô địch có chất lượng hơn, trong khi các cầu thủ có nhiều cơ hội tập huấn ở nước ngoài. Nhìn vào màn trình diễn của một số cầu thủ trẻ trong trận đấu Nhật Bản vừa qua, thậm chí tôi còn cho rằng lứa sau của Việt Nam sẽ thành công hơn lứa hiện tại.
- Theo quan điểm của ông, HLV Park sẽ chọn ba cầu thủ trên 23 tuổi nào dự SEA Games 31 cùng đội U23?
- Việc này phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất là ảnh hưởng của nó đến đội U23, thứ hai là các vị trí quan trọng cần bổ sung. Đầu tiên, U23 sẽ cần một cầu thủ có khả năng tạo đột biến. Quang Hải thích hợp nhất, trừ khi cậu ấy ra nước ngoài thi đấu và không về được. Thứ hai là một cầu thủ có khả năng kết nối giữa tấn công và phòng thủ. Hùng Dũng có khả năng làm điều đó, lại có tư chất thủ lĩnh. Đội hình U23 hiện nay có thể an tâm ở hàng phòng ngự nhưng như những gì chúng ta đã chứng kiến ở Dubai Cup, đội cần một sát thủ có khả năng ghi bàn và kết liễu đối thủ. Đây là vị trí rất quan trọng bởi nếu chơi tốt mà không thể ghi bàn thì không có ý nghĩa. Tôi nghĩ người thích hợp nhất vẫn là Tiến Linh - cầu thủ có kinh nghiệm dày dạn và ghi bàn đều đặn thời gian qua. Tất nhiên, quyết định lựa chọn cầu thủ thế nào vẫn nằm ở HLV Park vì còn phụ thuộc vào tính toán của ông ấy cho giải đấu.
Quang Huy