Tờ Le Monde cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/3 gặp lãnh đạo các đảng phái ở nước này để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại cuộc gặp, Tổng thống Macron phác thảo kịch bản Nga tấn công thành phố Odessa và thủ đô Kiev của Ukraine, điều ông cho rằng có thể "dẫn tới hành động can thiệp" vì Pháp "không nên để việc này xảy ra bằng bất cứ cách nào".
Ông Macron cũng khẳng định với lãnh đạo các đảng phái rằng "không có giới hạn nào" đối với sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine.
"Quan điểm của Pháp đã thay đổi: Không có lằn ranh đỏ hay giới hạn nào cả", Le Monde dẫn lời một quan chức tham gia cuộc họp cho biết.
Phản ứng trước thông tin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nước này cũng sẽ xóa bỏ "lằn ranh đỏ" với chính quyền Tổng thống Macron.
"Macron nói 'không còn lằn ranh đỏ hay giới hạn nào' trong việc ủng hộ Ukraine, theo Le Monde. Điều đó đồng nghĩa Nga không còn lằn ranh đỏ nào nữa với Pháp", ông Medvedev viết trên mạng xã hội X hôm 7/3.
Quan chức này viết thêm "In hostem omina licita", dường như muốn đề cập thuật ngữ "in hostem omnia licita" (binh bất yếm trá) theo tiếng Latin, ám chỉ Nga sẽ không loại trừ hành động nào với Pháp trong trường hợp xung đột xảy ra giữa hai nước.
Medvedev, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhiều lần đưa ra tuyên bố cứng rắn nhằm vào Kiev và các nước phương Tây kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát.
Quan chức này ngày 11/1 cảnh báo nếu Ukraine tấn công các điểm phóng tên lửa trên lãnh thổ Nga bằng đạn tầm xa do phương Tây cung cấp, Moskva có thể dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Ông Medvedev hôm 3/3 cáo buộc "Đức đang chuẩn bị gây chiến với Nga", đề cập nội dung đoạn trao đổi mới bị lộ giữa các chỉ huy Đức, trong đó họ bàn về khả năng chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Ukraine để nước này tập kích các mục tiêu của Nga.
Căng thẳng trong quan hệ Nga - Pháp gần đây leo thang sau khi Tổng thống Macron hôm 26/2 tuyên bố phương Tây "không loại trừ khả năng" đưa quân tới Ukraine, điều được cho là cấm kỵ và có thể khiến NATO bị cuốn vào cuộc chiến quy mô lớn với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một số lãnh đạo NATO, trong đó có Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, ủng hộ phát biểu của ông Macron, song một loạt nước thành viên như Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech và nhiều quốc gia châu Âu khác khẳng định không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Pháp, cảnh báo việc phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.
Ông Macron hôm 4/3 giải thích tuyên bố về ý tưởng đưa quân tới Ukraine không đồng nghĩa Pháp sẽ điều lính đến nước này trong tương lai gần. Tuy nhiên, Tổng thống Macron sau đó một ngày khẳng định ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về việc "không loại trừ khả năng" đưa quân tới Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu "không hèn nhát" khi hỗ trợ Kiev đối phó Moskva.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Le Monde, AFP)