Trình bày trước tòa, ông Ngọc Anh cho hay theo Luật Khoa học công nghệ và Luật Quản lý tài sản công, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ là người đại diện cho kết quả nghiên cứu khoa học. Bộ phân công thứ trưởng Phạm Công Tạc giúp bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này.
Thế nhưng với đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm, ông Ngọc Anh cho rằng trong bối cảnh "rất cấp bách, khẩn trương", ông với cương vị bộ trưởng đã trực tiếp đại diện. Sau khi được Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo bằng văn bản, ông dựa vào đó để quyết định lựa chọn đơn vị chủ trì nghiên cứu là Học viện Quân y và Việt Á phối hợp tham gia.
"Bị cáo có chỉ đạo gì là trong một tháng phải có được kit xét nghiệm không?", nữ kiểm sát viên hỏi. Ông Ngọc Anh đáp, hồi đó, dịch bệnh "rất căng thẳng" nên nhiều yêu cầu cấp bách được đặt ra, trong đó có vấn đề nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm. Chính phủ yêu cầu trong một tháng có sản phẩm.
Hiểu rằng điều đó khó thực hiện, ông cho rằng trong một tháng chỉ có thể ra được sản phẩm kit xét nghiệm chứ "không thể thương mại hóa được trong thời gian ngắn như vậy".
Theo cáo buộc, ông Ngọc Anh cùng thứ trưởng Tạc có trách nhiệm theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu kit test. Biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu thuộc về Nhà nước, các bị cáo vẫn thực hiện các hành vi trái pháp luật để giúp Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu thành tài sản riêng.
Hai ông bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, gây thất thoát 18,9 tỷ đồng.
6 tháng sau khi kit xét nghiệm được đưa vào sử dụng, ngày 27/8/2020 ông Ngọc Anh được Việt mang đến phòng làm việc "cảm ơn" 200.000 USD (4,6 tỷ đồng). Ông Ngọc Anh khai lúc đó bẵng đi một thời gian sau Việt mới đến "báo cáo, cảm ơn" nên ông chỉ nghĩ có vài bộ sinh phẩm xét nghiệm, bởi thế "vứt bừa ở phòng ngủ phía trong".
"Tại sao khi biết có tiền bỏ quên, bị cáo không nộp cơ quan điều tra luôn?", kiểm sát viên truy vấn.
"Dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng sai rồi, nhận tiền của doanh nghiệp là sai. Bởi thế bị cáo mới có dự định, mà thậm chí đặt ra kế hoạch phải tìm cách trả lại cho Phan Quốc Việt", ông Ngọc Anh trầm giọng nói.
"Có đúng vậy không? Sao nhận tiền bằng USD nhưng khi nộp khắc phục lại bằng tiền Việt? Vậy cọc tiền USD giờ đang ở đâu?", VKS hỏi. Ông Ngọc Anh giải thích, cuối tháng 9/2020, khi dọn phòng làm việc để chuyển về UBND Hà Nội nhậm chức Chủ tịch Hà Nội, ông mới kiểm tra và thấy túi quà có tiền.
Sau đó, ông dọn dẹp, cho tiền vào một chiếc cặp rồi cất vào vali để khi nào đi công tác sẽ trả lại cho Việt. Nhưng khi đến trụ sở UBND Hà Nội, ông chưa có phòng làm việc ngay nên "nhờ anh em mang vali về nhà", cất ở gara ôtô.
Những ngày tiếp sau, dịch bệnh kéo dài nên ông chưa có dịp đi công tác hay gặp lại Việt. "Bẵng đi một thời gian rồi bị cáo lại phải lên đường thực hiện trách nhiệm hình sự. Giờ nhờ người thân, gia đình tìm lại nhưng không biết chiếc cặp đựng số tiền đó đang ở đâu", ông Ngọc Anh giải thích.
Ba lần nói "rất đau xót", ông Ngọc Anh đã nhận ra trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cựu chủ tịch Hà Nội đang định trình bày thêm thì kiểm sát viên ngắt lời vì lý do "các vấn đề đã rõ ràng".
Trình bày sau đó, cựu Vụ phó Trịnh Thanh Hùng cũng thừa nhận các cáo buộc và lời khai của cựu bộ trưởng. Ông Hùng bị truy tố vì nhận 350.000 USD của Việt Á.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.
Thanh Lam - Phạm Dự