Theo quy định của IOC từ năm 2015, VĐV chuyển giới có thể thi đấu ở giải nữ miễn là đáp ứng yêu cầu về nồng độ testosterone trong cơ thể: dưới 10 nanomole/lít trong ít nhất 12 tháng trước khi thi đấu.
Genel và Joanna Harper, hai nhà khoa học về VĐV chuyển giới - đã tích cực nghiên cứu những lợi thế thể chất còn được giữ trong người sau khi VĐV đã chuyển giới. Họ cho rằng ngưỡng 10 nanomole/lít là quá cao, và quy định nên giảm xuống còn 5 nanomole/lít. Hai nhà khoa học này cũng cho rằng, việc áp dụng quy định trên cho nhiều giải đấu tại Olympic là điều phi thực tế.
Richard Budgett, Trưởng bộ phận Y tế và Khoa học của IOC, thừa nhận: "Việc chấp nhận nồng độ testosterone khác gần như là không thể. Các cuộc tranh luận có thể diễn ra không ngừng".
Các chuyên gia cũng nhận định, cần phải có những quy định tương ứng với từng độ tuổi. Một VĐV có thể có nhiều lợi thế hơn so với những đồng nghiệp nữ, nếu trải qua quá trình chuyển giới sau khi dậy thì. "Sự khác biệt giữa nam và nữ là sự khác nhau giữa các môn thể thao. Như trong điền kinh, nam có thể chiếm lợi thế so với nữ khoảng từ 5 đến 12, 13%, tùy thuộc vào khối lượng hoạt động", Genel chia sẻ.
Những thay đổi trong cơ thể một VĐV chuyển giới trong quá trình điều trị hormone cũng có tác động nhiều hơn đến một số môn thể thao nhất định. Harper đưa ra ví dụ: "Chúng tôi nhận thấy nồng độ huyết sắc tố trong một người phụ nữ chuyển giới, khi họ tiến hành điều trị hormone, sẽ giảm trong vòng bốn tháng. Và huyết sắc tố là yếu tố sinh lý quan trọng nhất trong các môn thể thao sức bền. Mặt khác, các VĐV chuyển giới sẽ không mất tất cả những lợi thế sức mạnh của họ, sau khi phẫu thuật".
Nghiên cứu của Harper chỉ ra những người chuyển giới sẽ giữ những lợi thế sức mạnh nhất định sau ba năm điều trị, hoặc có thể nhiều hơn. "Họ giữ được bao nhiêu thì chưa có kết quả chính xác, nhưng ho chắc chắn có một số lợi thế nhất định", cô nói.
IOC cho phép mỗi liên đoàn quốc tế được đặt ra các quy tắc riêng về VĐV chuyển giới, nhưng nhiều liên đoàn đã áp dụng luôn các quy định của IOC.
Các quan chức nói IOC có thể thông báo các quy định mới vào cuối năm, nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về những lợi thế của VĐV chuyển giới tính nữ. "Các nghiên cứu cần có tính thực tế cao hơn", Katie Mascagni - phụ trách các vấn đề công chúng của IOC, nhận xét. "Những điều có thể đúng với chèo thuyền và bộ môn cụ thể này, nơi nồng độ testosterone và nhiều yếu tố khác nói lên việc các VĐV chuyển giới có lợi thế - lại có thể không phù hợp trong bối cảnh khác".
Budgett nhấn mạnh: "Các quy định mới sẽ là sự cân bằng giữa an toàn, hòa nhập và công bằng". Vị trưởng bộ phận Y tế và Khoa học của IOC cũng phản bác ý kiến rằng phụ nữ chuyển giới tham gia tranh tài là không công bằng với các VĐV nữ: "Việc không có VĐV chuyển giới nào tham gia tranh tài ở những giải đấu hàng đầu, tính đến trước Toyko 2020, tôi nghĩ ý kiến cho rằng họ là mối đe dọa với thể thao nữ là phóng đại quá mức. Điều quan trọng là VĐV chuyển giới nữ là phụ nữ".
Ở Olympic Tokyo, Gavin Hubbard là VĐV chuyển giới đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội. Hubbard, VĐV người New Zealand, vốn mang giới tính nam khi chào đời. Từ năm 2013, người này chuyển sang giới tính nữ và lấy tên Laurel Hubbard. Ở tuổi 43, đây cũng là đô cử nhiều tuổi nhất thi đấu ở hạng trên 87kg. Việc chuyển sang thi đấu ở giải nữ giúp Hubbard tăng cơ hội chiến thắng. VĐV này từng giành HC bạc ở giải VĐTG 2017 và HC vàng tại Đại hội Thể thao Thái Bình Dương 2019.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người phản đối việc cho phép các VĐV chuyển giới tranh tài ở giải dành cho nữ. "Cứ tưởng tượng nếu LeBron James quyết định phẫu thuật, chuyển giới rồi thi đấu ở giải của nữ, thì mọi chuyện sẽ thế nào? Việc cậu ấy có mặt trên sân sẽ ảnh hưởng như thế nào? Người hâm mộ muốn thấy các CĐV tranh tài, nhưng điều họ không muốn thấy là VĐV nam thi đấu ở giải của nữ. Sớm thôi, bạn sẽ không thấy nữ giới tranh tài nữa. Tôi ghét phải nói điều đó", ông nói trong buổi diễn thuyết tại, Phoenix, Arizona hôm 25/7.
Hồng Duy tổng hợp