Tại tọa đàm với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0", diễn ra chiều 15/11, khoảng 300 Đoàn viên và thanh niên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được nghe nhiều câu chuyện và bí quyết khởi từ những người đi trước.
Trình bày tham luận mang chủ đề "Xu hướng Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Nguyễn Thế Tùng, Chủ tịch Trang trại Queen Farm, Chủ tịch Công ty Công nghệ QFarm Tech đã chia sẻ chính câu chuyện khởi nghiệp với nông nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tùng có 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau nhưng không phải nông nghiệp. "5 năm trước, tôi bắt đầu khởi nghiệp với nông nghiệp với con số 0 và không hiểu gì về nông nghiệp. Lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ có được thành công của ngành hôm nay và có cơ hội ngồi đây chia sẻ với các bạn", ông Tùng nhớ lại.
Ông Tùng cho biết, bản thân tham gia nông nghiệp vì cảm thấy "nền nông nghiệp nước ta đang bước vào thời kỳ cần sự chung tay của rất nhiều bạn trẻ". Bên cạnh đó, Việt Nam là dân tộc có truyền thống canh tác nông nghiệp. Chứng kiến những biến động của thế giới, như chiến tranh, dịch bệnh ông Tùng cho rằng nông nghiệp có thể mang lại sự bền vững trong kinh doanh.
"Nhìn vào các khía cạnh khi làm nông nghiệp sẽ thấy rất nhiều gian nan, nhưng khi hiểu được vai trò của mình, sẽ vượt được những khó khăn ban đầu", ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng hiện có một trang trại ở Bình Phước, rộng 55 ha trồng 10.000 cây sầu riêng, 1.500 cây mít, ban đầu chỉ cần 13 công nhân nhưng vẫn vận hành tốt nhờ canh tác theo mô hình công nghệ cao. Theo ông, nhu cầu đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp là rất cần thiết, nhất là thời điểm này. Sau Covid-19, toàn thế giới hiểu rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt. Cơn bão Yagi mới đây chính là một minh chứng cho những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Cũng là một hệ lụy của biến đổi khí hậu, mùa hè vừa qua, Bình Phước đã trải qua một đợt hạn hán nặng. Trong suốt 6 tháng 9 ngày, trang trại của ông không nhận được một hạt mưa nào. Tuy nhiên, nhờ được canh tác theo mô hình nông nghiệp xanh và ứng dụng công nghệ cao, các cây sầu riêng vẫn vượt qua hạn hán để ra trái ngọt.
Người dân Bình Phước trong giai đoạn hạn hán thường khoan giếng, nhưng ông Tùng không làm theo vì hiểu rằng đây không phải là một giải pháp bền vững. Thay vào đó, ngay khi bắt đầu xây dựng trang trại sầu riêng, ông đã dành một phần diện tích để đào một hồ nước có thể chứa được 100.000 m3, nhận nước từ các mạch nước trong những ngày mưa. Trang trại áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm của Israel, đồng thời tưới nước bằng cảm biến, theo đúng nhu cầu nước của cây trong mỗi lần tưới để không lãng phí nước. Trang trại không dùng thuốc diệt cỏ, sẵn sàng nuôi công nhân làm cỏ để giữ được độ sạch cho đất cũng như bảo vệ nguồn nước.
Ông Tùng nhận xét, để khởi nghiệp với nông nghiệp thuận lợi thì cần có sáng tạo. Vì thế ông cảm thấy rất vui khi gặp nhiều bạn trẻ sử dụng trùn quế, ruồi lính đen, các ứng dụng về chế biến, giúp cây trồng vật nuôi có năng suất cao hơn, chất lượng ổn định hơn.
Theo ông Tùng, để đồng bộ chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp cần ba yếu tố: khoa học canh tác, khoa học quản lý và khoa học công nghệ.
Nhờ được truyền cảm hứng từ mô hình nông nghiệp xanh - công nghệ cao, ông Phí Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ thông tin P.A.T cũng vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khi đã 62 tuổi và đã trải qua hai lần đột quỵ. Ông Tuấn cho biết, mình đã làm giám khảo của nhiều cuộc thi Startup và nhận thấy "nông nghiệp có nhiều đất để khởi nghiệp". Ông vẫn nhớ đã từng trao giải cho mô hình "chung cư cho cua" của một bạn trẻ với mục tiêu nuôi cua biển Cà Mau ngay tại Hà Nội, làm lồng cho cua ở, có phân lô đánh số như các căn hộ chung cư.
Cũng đánh giá cao tiềm năng của các startup nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Quỹ đầu tư Le Group Ventures cho biết đã rót vốn cho ba lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp và công nghệ. Ông Khoa đánh giá, nông nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. "Nông nghiệp luôn là cầu nối, là cơ hội lớn cho các bạn, nhất là các bạn trẻ trong khán phòng này để khởi nghiệp", ông Khoa khẳng định. Theo ông, để thành công khi khởi nghiệp với nông nghiệp, điều quan trọng làm sao áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Ông lý giải, trước đây, các sản phẩm nông nghiệp muốn xuất khẩu được chỉ cần ngon, đẹp thành cạnh tranh, nhưng sau này cần thêm Net Zero, cần có thể truy xuất nguồn gốc. "Công nghệ, yếu tố môi trường, tài chính chỉ là công cụ để các bạn trẻ gắn vào giấc mơ phát triển các startup nông nghiệp của mình", ông Khoa khẳng định.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện nay, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn để các doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long, khởi nghiệp sáng tạo sẽ mang lại những giá trị mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0" là một phần của Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Mekong Startup 2024. Diễn đàn có chuỗi hoạt động kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, tổ chức bởi Tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo VnExpress. Chương trình có sự cố vấn chuyên môn của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Các hoạt động chính diễn ra trong hai ngày 15-16/11 với nhiều sự kiện: chung kết Tìm kiếm sáng kiến chuyển đổi xanh Mekong 2024; tọa đàm Kết nối - vươn xa, phiên toàn thể Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển... Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.
Kim Ánh