Trọng tài Trung Quốc đầu tiên cầm còi tại World Cup là Lu Jun, người điều khiển hai trận đấu tại mùa giải năm 2002. Đó cũng là năm đầu tiên và duy nhất đến nay đội tuyển quốc gia Trung Quốc góp mặt tại một vòng chung kết World Cup, nơi họ để thua cả ba trận trước Brasil, Thổ Nhĩ Kỳ, Costa Rica và không ghi được bàn thắng nào.
Trung Quốc hồi tháng hai dừng chân ở vòng loại World Cup 2022 tại Qatar, ngay trước thềm Olympic mùa Đông Bắc Kinh. Thất bại này khiến người hâm mộ bóng đá Trung Quốc tiếp tục phải theo dõi một mùa World Cup khác ở bên lề, hy vọng niềm mong ngóng, chờ đợi của họ sẽ không dài như xứ Wales hay Canada, những đội tuyển chỉ có thể quay lại với đấu trường bóng đá hàng đầu thế giới sau lần lượt 64 năm và 36 năm vắng bóng.
Dù người hâm mộ Trung Quốc đã nhiều lần thất vọng trước màn trình diễn của các cầu thủ, mùa World Cup năm nay gây cảm giác buồn bã, cay đắng đặc biệt đối với không ít người, bởi nó không chỉ cho thấy nền bóng đá Trung Quốc chênh vênh ra sao, mà còn là lời nhắc nhở rằng họ đã bị tách khỏi phần còn lại của thế giới như thế nào.
"Điều buồn cười là khi xem lễ khai mạc World Cup, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người hoàn toàn không đeo khẩu trang, và sau đó tôi bị sốc vì việc chính bản thân mình đã ngạc nhiên với điều đó", Kane Zhang, 31 tuổi, đến từ Bắc Kinh, chia sẻ.
Các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa Covid-19 đang được áp đặt trở lại trên khắp Trung Quốc, khi đại dịch có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại. Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia vẫn chưa mở cửa, duy trì các biện pháp kiểm soát đi lại và áp lệnh phong tỏa khi phát hiện ca nhiễm nCoV theo chiến lược "Không Covid" nghiêm ngặt.
Với nhiều người muốn tìm kiếm niềm vui mùa World Cup, họ cũng phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19.
Zhang muốn đặt một phòng khách sạn để xem trận đầu tiên mùa World Cup vì không muốn tiếng hò hét của vợ chồng anh ảnh hưởng tới hàng xóm. Trận đấu diễn ra vào nửa đêm theo giờ Bắc Kinh.
"Cuối cùng chúng tôi phải hủy kế hoạch. Khách sạn yêu cầu chứng nhận âm tính Covid-19 trong vòng 48 giờ, nhưng chúng tôi lúc đó không thể kịp làm xét nghiệm và xin giấy xác nhận", anh kể.
"Tôi có cảm giác rất mâu thuẫn", anh cho hay. "Khi lướt điện thoại mỗi sáng thức dậy, tôi lại thấy mọi người bàn về World Cup, trong khi số khác nói về lệnh phong tỏa".
Với tình hình dịch ở Bắc Kinh đang diễn biến phức tạp hơn và một số người vẫn tìm cách tích trữ thực phẩm đề phòng khả năng bị phong tỏa, Zhang cho biết anh cũng lái xe khắp thành phố để lùng mua rau, trước khi khu anh sống được yêu cầu cách ly.
"Và ngày hôm sau, chúng tôi nhìn thấy hàng chục nghìn người tập trung trong các sân vận động ở Qatar, không ai đeo khẩu trang cả", anh nói.
Amy Wen, 26 tuổi, nhân viên ngành tài chính đến từ Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, cho biết cô không cảm thấy quá thất vọng khi đội tuyển nước nhà không được dự World Cup.
"Bóng đá là môn thể thao công bằng. Đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc đã không nỗ lực đủ để có thể đến Qatar", cô nói. "Đó là lý do tôi không cảm thấy tiếc, không có gì phải buồn cả".
Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy buồn khi nhớ lại những ngày được hòa mình vào bầu không khí cổ vũ bóng đá tại World Cup năm 2018 diễn ra ở Nga. "Lúc đó không ai nghĩ rằng mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn như thế này", Wen cho hay.
Các biện pháp kiểm soát Covid-19 cũng khiến Trung Quốc mất quyền đăng cai AFC Asian Cup dự kiến diễn ra vào tháng 7/2023. Thay vào đó, quyền tổ chức giải đấu tiếp tục rơi vào tay Qatar, cơ hội để nước này tận dụng các sân vận động và cơ sở hạ tầng mới mà họ vừa đầu tư cho World Cup.
Một số sân vận động của Qatar do các công ty Trung Quốc xây dựng và truyền thông nước này đã nhấn vào những đóng góp bên ngoài sân cỏ đó để tạo dấu ấn.
Trong một video do kênh truyền hình nhà nước CGTN đăng tải, phóng viên dẫn chương trình tuyên bố rằng "từ cơ sở hạ tầng lớn đến hàng hóa nhỏ", 'Made in China' đã trở thành điểm nhấn của World Cup năm nay", khẳng định "sự tham gia của Trung Quốc vào World Cup ngày càng trở nên sâu rộng hơn" trong 4 năm qua.
Video còn cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục mở rộng vào kỳ World Cup tiếp theo do Canada, Mỹ và Mexico đồng tổ chức vào năm 2026. Đây sẽ là giải đấu đầu tiên quy tụ 48 đội bóng thay vì 32, giúp nâng cao cơ hội vượt qua vòng loại cho Trung Quốc.
Song theo giới quan sát, chưa rõ liệu Trung Quốc có thể cải thiện chất lượng bóng đá của mình từ nay đến năm 2026 để giành quyền tham dự chung kết World Cup hay không.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực vươn lên trở thành một cường quốc bóng đá thế giới, xây dựng các sân vận động và học viện quy mô, bơm tiền vào cho giải Bóng đá Ngoại hạng trong nước, đồng thời ra sức chiêu mộ những tài năng nước ngoài. Nhưng một số đội bóng đã rơi vào phá sản trong cuộc đua này và các biện pháp kiểm soát Covid-19 đồng nghĩa những trận đấu vẫn phải diễn ra ở các sân vận động không khán giả.
"Chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn trước", Su Maozhen, cựu tuyển thủ quốc gia và từng là thành viên đội tuyển quốc gia Trung Quốc dự World Cup năm 2002, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. "Nhưng các quốc gia khác cũng có cơ hội tương tự, vì thế tôi nghĩ chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với những cuộc cạnh tranh khốc liệt".
Vũ Hoàng (Theo Globe and Mail)