Abukhousa đưa vợ và hai con nhỏ, tất cả đều là công dân Australia, về Gaza vài tháng trước để thăm gia đình. Anh quay về Sydney hồi cuối tháng 9, nhưng vợ và hai con, 7 và 9 tuổi, vẫn ở lại.
Vợ con anh giờ đây mắc kẹt ở Dải Gaza giữa làn không kích Isreal, không thể ngủ bởi "tiếng bom rơi tưởng như không bao giờ ngừng". "Tình hình rất khó khăn, hai con tôi không thể ngủ khi bom đạn liên tục dội xuống", Abukhousa kể.
Khi biết được Ai Cập mở cửa khẩu Rafah nối với Dải Gaza để cho phép sơ tán người nước ngoài và người bị thương nặng, Abukhousa đã nỗ lực hết sức để liên lạc với gia đình.
Vợ con anh cùng khoảng 500 người khác nằm trong danh sách được sơ tán của Cơ quan Kiểm soát Cửa khẩu và Biên giới Gaza. Cơ quan này cho hay đã liên lạc với gia đình hồi đầu tháng, thúc giục họ hướng tới cửa khẩu Rafah, song do sự cố mất liên lạc, Abukhousa đã hai ngày không hay tung tích vợ con.
"Tôi không nghĩ họ biết cửa khẩu Rafah đã mở", anh nói. Họ từ trại tị nạn Bureij ở trung tâm Gaza đã tìm đường tới cửa khẩu 4 lần trong vài tuần qua, nhưng đều phải ra về bởi cửa khẩu đóng cửa.
Đại sứ quán Australia nói với Abukhousa rằng họ không thể làm gì nhiều hơn nữa để giúp vợ con anh. Các thành viên khác trong gia đình, trong đó có mẹ và anh trai Abukhousa, cũng mắc kẹt ở Gaza, nhưng họ không phải công dân Australia.
Tại thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, Nadia Eldin cũng chung nỗi tuyệt vọng. Eldin không phải người nước ngoài, nhưng có con gái Lama mang quốc tịch Bulgaria, khi cô sinh con tại nước này 15 năm trước.
Dù Lama có tên trong danh sách sơ tán, cô không nhận được thông báo nào từ cơ quan kiểm soát biên giới yêu cầu cô tìm đường đến cửa khẩu Rafah. Cô nhận được thông tin từ bạn bè ở Bờ Tây, thúc giục hai mẹ con hướng tới cửa khẩu.
Nadia rất muốn sơ tán để tới ở nhờ nhà người thân tại Cairo, Ai Cập, nhưng gia đình cô không có ôtô cũng như sự tự tin để di chuyển tới cửa khẩu.
"Tôi phải làm gì bây giờ? Không có đảm bảo an ninh nào cả, bom đạn trút xuống khắp nơi", Eldin nói qua điện thoại, trước khi thông báo phải tắt máy do pin sắp hết. Cô chỉ có thể sạc điện thoại bằng máy phát điện một lúc ngắn trong ngày.
Trong số 4 người mang hai quốc tịch có tên trong danh sách sơ tán, hai công dân Nhật Bản và Indonesia cho hay không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào. Samira Ismail Abusharkh, người mang song tịch ở Áo, nhận được cuộc gọi từ đại sứ quán Áo, nhưng không cung cấp thông tin về phương tiện di chuyển đến cửa khẩu.
Trong khi đó, các cuộc không kích tiếp diễn, khiến những người muốn sơ tán không có lộ trình an toàn.
Giới chức Ai Cập và Palestine cho hay Hamas đã đình chỉ quá trình sơ tán người nước ngoài qua cửa khẩu Rafah vào ngày 4-5/11, sau khi Israel từ chối cho phép chuyển một số người Palestine bị thương sang Ai Cập.
"Cửa khẩu bị đóng lại do Israel cấm người bị thương vào Ai Cập chạy chữa. Không người nước ngoài nào được phép rời đi chừng nào người bị thương còn mắc kẹt", một quan chức Hamas giấu tên cho biết.
Tại cửa khẩu, nhiều người mắc kẹt vẫn chờ đợi, không biết họ có cần xin visa Ai Cập để nhập cảnh vào nước này hay không.
Amena, sinh viên Australia gốc Palestine đang sống ở Cairo, cho hay cha mẹ và bà của cô đang kẹt ở Gaza. Tuần trước, cô đã tới đại sứ quán Australia ở Ai Cập xin thị thực cho người thân khi hay tin Cairo mở cửa khẩu.
"Tình hình ngày càng tồi tệ. Tôi phải điên cuồng tìm cách đưa gia đình mình khỏi lửa đạn", cô nói.
Đức Trung (Theo Al Jazeera, AFP)