Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhất trí với mọi chủ đề trong cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên mạng xã hội X tối 12/8. "Tôi nghĩ chúng ta đang ở ngã ba đường và cần con đường đúng đắn. Ngài chính là con đường đó. Ngài là con đường dẫn tới thịnh vượng, còn Phó tổng thống Kamala Harris thì ngược lại", Musk nói.
Cuộc phỏng vấn là diễn biến tiếp theo trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiều bất ngờ trong những tuần qua, tiếp sau vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump ở bang Pennsylvania và quyết định dừng tranh cử của Tổng thống Joe Biden, nhường lại "ngọn đuốc" tranh cử cho cấp phó Harris.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy bà Harris không chỉ thu hẹp khoảng cách với ông Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc, mà còn vươn lên dẫn trước ở các bang chiến trường quan trọng.
Các cố vấn của Trump thừa nhận rằng họ đang xác định cách tốt nhất để chống lại đối thủ mới. Bản thân Trump đã thử nghiệm một loạt đòn công kích trong các phát biểu tranh cử và phỏng vấn. Khi điều này không phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các đồng minh rằng ông Trump cần cải tổ chiến dịch tranh cử nếu không muốn thất bại.
Tình hình này khiến ông Trump rất cần một đòn bẩy để thu hút sự chú ý trở lại của giới truyền thông cũng như dư luận Mỹ, và cuộc phỏng vấn do Musk đề xuất được coi là đòn bẩy quan trọng đó.
Dù vấp phải một số trục trặc do "tấn công mạng" khiến cuộc phỏng vấn bị lùi lại hơn 40 phút, sự kiện vẫn thu hút hơn một triệu người theo dõi cùng lúc. Musk dự đoán ít nhất 100 triệu người sẽ xem các nội dung trong cuộc phỏng vấn này những ngày tới.
Trump đã tán dương Musk vì lượng người nghe cuộc phỏng vấn. "Tôi hy vọng ông không bị hồi hộp vì có rất nhiều người đang lắng nghe. Tôi nghĩ phải có đến 60-70 triệu người", dù chỉ số của X lúc đó cho thấy hơn 1,3 triệu người đang nghe.
Cuộc phỏng vấn dường như là nỗ lực của Musk nhằm giúp Trump ngăn chặn làn sóng ủng hộ Harris, trong đó tỷ phú Mỹ tận dụng chính bản thân mình và nền tảng X với kỳ vọng sẽ định hướng giúp ông Trump đưa ra những luận điểm vững chắc và hiệu quả hơn nhằm vào đối thủ.
Nhưng điều xuất hiện nhiều nhất trong hơn hai giờ phỏng vấn là những lời công kích bà Harris và ông Biden, bên cạnh những lời tán tụng nhau giữa hai tỷ phú.
"Bà ấy là người theo chủ nghĩa cực tả", ông Trump nói. Cựu tổng thống Mỹ cũng cho rằng Tổng thống Biden đã bị đảng Dân chủ gạt sang một bên để nhường chỗ cho phó tướng Harris, dù không đưa ra bằng chứng. "Bà ấy chưa từng trả lời phỏng vấn kể từ khi trò lừa đảo này bắt đầu. Nói gì thì nói, đây vẫn là một cuộc lật đổ nhằm vào một tổng thống Mỹ".
Elon Musk tỏ ra đồng tình rằng Harris là người theo chủ nghĩa cực tả, đồng thời tâng bốc Trump bằng cách ám chỉ rằng ứng viên Cộng hòa là người mạnh mẽ, trong khi đối thủ của ông rất yếu đuối.
Cuộc trò chuyện giữa một cựu tổng thống và tỷ phú giàu nhất thế giới cũng cho thấy những gì mà hai người có thể thu được sau sự kiện.
Elon Musk đã gây được ấn tượng với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, thể hiện quan điểm về nhập cư, kinh tế, quy định kiểm soát của chính phủ và cắt giảm thuế. Các công ty của Musk, trong đó có SpaceX và Tesla, đều có thể chịu ảnh hưởng vì những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Không người dân Mỹ bình thường nào có được cơ hội đối thoại trực tiếp với tổng thống tiềm năng như vậy.
Musk thậm chí còn đề xuất đảm nhận vị trí trong chính quyền Trump, có thể là ủy ban chuyên "xem xét những vấn đề chi tiêu và hạch toán tiền của người đóng thuế". Đáp lời, ông Trump nói rằng sẽ "rất thích" nếu Musk tham gia chính quyền, nhấn mạnh rằng tỷ phú này là một "nhà cắt giảm vĩ đại", đề cập đến các biện pháp cắt giảm chi phí mà Musk đã áp dụng trong các công ty của mình.
Trump cũng thu được nhiều lợi ích trong hơn hai tiếng đối thoại. Elon Musk gần như không phản đối bất kỳ tuyên bố nào của cựu tổng thống Mỹ, trong đó có cả những thông tin chưa kiểm chứng và gây tranh cãi như 60 triệu người nhập cư không giấy tờ có thể xâm nhập nước Mỹ nếu ông thua trong cuộc bầu cử năm nay.
Cuộc phỏng vấn giúp Trump đưa ra một số luận điểm chính sách tập trung hơn cho nhiệm kỳ hai, thay vì những lời công kích cá nhân nhắm vào bà Harris. Cả ông và Musk đều cáo buộc Tổng thống và Phó tổng thống đương nhiệm đã thi hành những chính sách chi tiêu làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lạm phát, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ.
Nhưng những tuyên bố quanh co, thiếu dữ liệu và các thuyết âm mưu mà Trump đưa ra cũng có thể khiến cử tri bất bình hơn với ông, khiến cựu tổng thống khó lôi kéo cử tri là phụ nữ và những người sống ở vùng ngoại ô tại các bang chiến trường.
"Nếu bà ấy trở thành tổng thống thì rất nhanh thôi, mọi người sẽ mất nước", cựu tổng thống cảnh báo về nhiệm kỳ của bà Harris nhưng không đưa ra luận điểm nào chứng minh. Tuyên bố này rất giống với những gì Trump đưa ra về việc "nước Mỹ bị phá hủy" khi ông Biden lên nắm quyền.
Stephen Collinson, bình luận viên của CNN, nhận định cuộc phỏng vấn là ví dụ cụ thể cho thấy nền chính trị Mỹ đã thay đổi đáng kể bởi mạng xã hội, trong bối cảnh báo chí truyền thống bị chia rẽ.
Các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng báo chí Mỹ gần đây tập trung quá nhiều vào bà Harris và "bỏ quên" Trump. Đây dường như là động lực để cựu tổng thống tìm đến với Musk, người đã mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X, cũng như khôi phục tài khoản của Trump.
Donald Trump có thể đã không trở thành tổng thống nếu thiếu Twitter, khi ông trở thành thế lực chính trị cùng lúc mạng xã hội này bước vào giai đoạn hoàng kim. Khả năng tận dụng những nền tảng mới cũng mang lại nhiều lợi thế cho ông so với đối thủ.
"Nhiều người ủng hộ Trump sẽ tiếp tục xem hoặc nghe trích đoạn phỏng vấn trong những ngày tới. Họ chắc chắn sẽ nhất trí với phần lớn luận điểm của cựu tổng thống, cho thấy ông vẫn có sức hút và tiềm lực chính trị ngay cả sau khi bà Harris thay đổi đáng kể cục diện chạy đua", Collinson viết.
Vũ Anh (Theo CNN)