Trong bài tham luận với chủ đề "AI+X in Action", ông Kim Younghun - Giám đốc Bộ phận Mở rộng AI, Cục Xúc tiến CNTT Quốc gia Hàn Quốc (NIPA) cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã thực hiện rất nhiều dự án như chiến lược số quốc gia, nâng cao cạnh tranh AI, kế hoạch phổ cập trí tuệ nhân tạo...
Để hiện thực hóa các kế hoạch này, Chính phủ Hàn Quốc đã kết hợp với nhiều đơn vị, trong đó có NIPA - thực hiện rất nhiều dự án với hơn 500 nhân sự, đầu tư hơn 600 triệu USD trong năm nay. Cụ thể, NIPA có dự án SaaS, cung cấp các phần mềm dưới dạng dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án hyper-scale AI flagship hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhằm giúp các chuyên gia nâng cao năng lực cạnh tranh.
AI convergence Public Sector của NIPA áp dụng trong các lĩnh vực môi trường, giao thông, mang lại sự thuận tiện cho mọi người và AI Vouchers đưa ra mức giá phù hợp để người dùng kết nối dễ dàng hơn, thúc đẩy quá trình đối tác.
"Nhờ sự hợp tác như vậy, hơn 2.000 giải pháp AI đã được tổ chức trong một năm, giúp cải thiện năng suất và chất lượng dịch vụ", Giám đốc Bộ phận Mở rộng AI, Cục Xúc tiến CNTT Quốc gia Hàn Quốc nói tại sân khấu AI4VN 2024.
Theo đó, ông Kim Younghun đưa ra ba bước có thể triển khai một dự án AI. Bước đầu là lên kế hoạch dựa trên chính sách nhà nước, mục tiêu đến nhu cầu. Đây là giai đoạn quan trọng bởi không phải nhu cầu nào cũng có thể giải quyết được. Đơn vị chọn lọc bằng thông tin đầu vào và kết hợp chuyên gia AI với các nhà hoạch định chính sách. Sau đó, các công ty AI tới đấu thầu.
"Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng để bước vào giai đoạn quản lý. Chúng ta cần xử lý các thông tin nhạy cảm, tìm giải pháp phù hợp nhất... cần đảm bảo cung cấp thông tin liền mạch nhất", ông nói thêm.
Cuối cùng là giai đoạn thực thi và mở rộng, giúp nâng cao khả năng sử dụng AI vào dịch vụ công, cũng giúp các công ty phát triển AI, kiểm định các ứng dụng có thể đáp ứng dịch vụ công hay không. NIPA cũng kết nối công ty AI với cơ quan Chính phủ, triển khai các lĩnh vực như môi trường, chăm sóc sức khỏe, quản trị công... Tổ chức kỳ vọng tính chính xác, chất lượng dịch vụ, tốc độ... sẽ ngày càng cải tiến; thời gian, lỗi do con người... sẽ giảm xuống.
Thời gian qua, NIPA cũng nhận thấy các doanh nghiệp cần cân nhắc các yếu tố như: chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành, sự lãnh đạo từ phía chính phủ, quỹ đầu tư... Thị trường cần có sự hiểu biết nhất định để thu hẹp khoảng cách giữa người có nhu cầu và người cung cấp dịch vụ. Trong đó, lãnh đạo là yếu tố chính cho xã hội nơi AI giúp con người.
"AI sẽ không thay thế con người mà người biết sử dụng AI mới thay thế những người còn lại", ông nhấn mạnh trong bài tham luận tại AI4VN 2024.
Lần đầu góp mặt tại AI4VN, NIPA có gian hàng giới thiệu các dự án tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tập trung vào việc ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội như: Nhận diện hóa chất độc hại, Quản lý an toàn công viên, Kiểm tra chất lượng sản phẩm và Cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp...
Tại Việt Nam, NIPA kỳ vọng hợp tác và nhân rộng mô hình ứng dụng AI ở 5 lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo, Hỗ trợ doanh nghiệp, Phát triển hệ sinh thái số, Đào tạo nguồn nhân lực và Hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ mới. Viện này cũng kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ mới, giúp họ mở rộng quy mô, hướng đến sân chơi quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
NIPA là một cơ quan chính phủ phi lợi nhuận trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin tại Hàn Quốc thành lập năm 2009, chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ thông tin.
Tuấn Vũ