Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt để gia đình, bạn bè họp mặt. Bên cạnh những món ăn truyền thống, rượu là loại thức uống thường trực trong mâm cỗ. Nhiều gia đình có thói quen mời rượu khi bạn bè đến chúc Tết.
Dù vậy, uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm gián đoạn cấu trúc của một giấc ngủ mỗi đêm. Các chuyên gia cho biết rượu bia có thể khiến một người thức dậy nhiều lần mỗi khi trải qua các giai đoạn của giấc ngủ.
Tiến sĩ Jennifer Martin, chuyên gia tâm lý, giáo sư y khoa tại Đại học California, Los Angeles cho biết: "Các vấn đề thường diễn ra vào nửa sau của buổi đêm. Ban đầu, rượu có tác dụng an thần. Nhưng đến khi được chuyển hóa, nó là chất kích thích".
Trong nửa đầu tiên của chu kỳ ngủ, khi nồng độ cồn cao còn trong máu, người uống rượu sẽ ngủ sâu, không mộng mị. Lý do là bởi rượu tác động lên axit gamma-aminobutyric, hoặc GABA, chất dẫn truyền thần kinh ức chế, làm dịu các tế bào thần kinh trong não. Rượu cũng ngăn chặn giai đoạn mơ, còn gọi là giấc ngủ REM.
Vào đêm muộn, khi nồng độ cồn giảm xuống, não của người uống rượu hoạt động quá mức. Họ có thể trở mình liên tục khi cơ thể đang trải qua trạng thái kích thích hồi phục.
Tiến sĩ R. Nisha Aurora, thành viên ban giám đốc của Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, cho biết: "Khi nồng độ rượu giảm, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề hơn. Giấc ngủ bị đứt gãy. Giấc mơ của bạn cũng sống động hoặc căng thẳng hơn vì bạn phải thức dậy nhiều lần".
Rượu cũng là một chất lợi tiểu, khiến người dùng thức dậy đi vệ sinh giữa đêm, theo tiến sĩ Bhanu Prakash Kolla, phó giáo sư tâm thần học và chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Y học Giấc ngủ tại Phòng khám Mayo.
"Rượu mạnh có tác dụng làm lợi tiểu, nhất là với người cao tuổi", ông nói thêm.
Mọi người cũng ngáy nhiều hơn sau khi uống rượu, bởi nó là một chất làm giãn cơ ở đường hô hấp trên, gây gián đoạn quá trình thở bình thường. Uống rượu có thể đặc biệt nguy hiểm với người mắc chứng ngưng thở khi ngủ vì tắc nghẽn mạn tính.
Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng uống rượu sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, bất kể tuổi tác, giới tính. Rượu làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, vì vậy bác sĩ khuyến cáo không sử dụng cùng với những loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ như Ambien, Tylenol PM, Benadryl hoặc thậm chí các chất bổ sung như melatonin.
Phó giáo sư Ilene M. Rosen, bác sĩ khoa y học giấc ngủ, Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania cho biết: "Rượu là một loại thuốc an thần. Tôi sẽ không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc an thần nào, dù là kê đơn hay không, khi đang uống rượu".
Một số người uống rượu vào buổi tối để dễ ngủ hơn. Song thói quen này có thể dẫn đến chu kỳ nguy hiểm với giấc ngủ rời rạc, kéo theo chứng nghiện rượu. Tiến sĩ Sabra Abbott, phó giáo sư thần kinh học về y học giấc ngủ tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, nhận định: "Tôi thấy nhiều người dùng rượu để tự điều trị chứng mất ngủ. Uống rượu liên tục hàng đêm có thể tạo ra chứng âu lo, ngay cả khi một người đã ngừng uống rượu".
Thục Linh (Theo NY Times)