Liên minh các lực lượng chống chính phủ ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus và buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời khỏi đất nước, chưa đầy hai tuần sau khi phát động chiến dịch lật đổ chính phủ. Sự sụp đổ của chính quyền Assad mở ra một thời kỳ bất định mới với Syria, quốc gia đang bị chia 5 xẻ 7 giữa hàng loạt nhóm vũ trang.
Nổi bật nhất trong liên minh nổi dậy chống chính phủ là Hayat Tahrir al Sham (HTS), nhóm có tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh tại Syria của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Đây là lý do HTS bị cả Nga và Mỹ cùng các nước phương Tây liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ đang treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt Ahmed Hussein al-Shara, thủ lĩnh của HTS.
Al-Shara đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda vào năm 2016 để cho thấy nhóm muốn theo đuổi đường lối ôn hòa hơn. Nhóm cũng nhiều lần đụng độ đẫm máu với al-Qaeda và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để tranh giành địa bàn và ảnh hưởng.
Sau khi tách khỏi al-Qaeda, Mặt trận al-Nusra đã nhiều lần đổi tên trước khi chốt lại thành Hayat Tahrir al Sham, với căn cứ địa được thiết lập ở thành phố Idlib tại tỉnh cùng tên ở tây bắc Syria.
Sau nhiều năm tích lũy lực lượng, HTS ước tính có 10.000-30.000 thành viên, trở thành lực lượng chống chính phủ mạnh nhất ở khu vực xung quanh Idlib. HTS đã tổ chức và điều hành chính quyền riêng tại tỉnh Idlib từ năm 2015, tiến hành thu thuế và cung cấp các dịch vụ hành chính cho người dân tại đây.
HTS dưới sự lãnh đạo của al-Shara cũng thoát khỏi tư tưởng truyền thống lâu nay của các nhóm cực đoan Hồi giáo trong khu vực là gây chiến với phương Tây và Mỹ. Thay vào đó, nhóm thành một lực lượng có kỷ luật tốt, tập trung hoàn toàn vào Syria và không hướng đến mục tiêu "hủy diệt phương Tây".
"Họ là tổ chức Hồi giáo đại diện cho chủ nghĩa Hồi giáo chính trị", nhà phân tích quân sự Michael Clarke cho biết, đề cập phong trào sử dụng Hồi giáo để xây dựng hệ thống chính trị và quản lý đất nước.
Tuy nhiên, sau khi lật đổ chính phủ Syria, cách HTS sẽ điều hành đất nước như thế nào vẫn còn là câu hỏi lớn. Các cường quốc trên thế giới đang theo dõi sát sao những động thái tiếp theo của nhóm để xác định hướng đi của Syria trong thời kỳ mới.
"Thủ lĩnh HTS tuyên bố họ là những người Syria theo chủ nghĩa dân tộc và sẽ khoan dung với tất cả cộng đồng thiểu số. Nhưng nhóm đã công khai bác bỏ chế độ dân chủ kiểu phương Tây vì điều đó sẽ làm mất đi tính chính danh của lý tưởng Hồi giáo mà họ theo đuổi", Clarke nói thêm.
Theo ông, kịch bản tốt đẹp nhất mà mọi người có thể hy vọng là chính quyền Syria dưới thời HTS sẽ trở thành một "chế độ chuyên quyền nhân từ", trong đó các sắc tộc thiểu số, phe phái còn lại sẽ được đối xử một cách khoan dung.
"Tuy nhiên, cơ hội để HTS tập hợp mọi người dưới lá cờ của chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước là không lớn. Tôi không cho rằng họ có thể duy trì tinh thần đoàn kết được lâu", chuyên gia này nêu quan điểm.
Clarke nhận định HTS muốn kiểm soát toàn bộ Syria, trong khi các phe phái khác chỉ muốn "quan điểm của họ được công nhận" và sẽ hài lòng nếu chỉ nắm giữ một phần lãnh thổ.
Tham vọng "thống nhất Syria" của HTS sẽ đối mặt nhiều thách thức lớn, do nhóm hiện chỉ kiểm soát phần lãnh thổ trải dài từ tây bắc xuống phía nam Syria, theo bản đồ của Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ và Sky News của Anh.
Trên thực tế, nhóm vũ trang hiện kiểm soát nhiều lãnh thổ nhất không phải HTS mà là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). SDF được thành lập vào năm 2015, có thành viên chủ yếu là các tay súng người Kurd. Một số tay súng người Arab hoặc theo Cơ đốc giáo cũng chiến đấu cho nhóm.
Nòng cốt của SDF là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), nhóm dân quân người Kurd được thành lập vào năm 2012 và đã chiếm phần lớn khu vực đông bắc Syria trong lúc quân chính phủ bận ứng phó với lực lượng nổi dậy ở phía tây.
Nhiều tay súng YPG là thành viên lâu năm của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã đấu tranh trong hàng thập kỷ để có thể xây dựng nhà nước độc lập cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi PKK là tổ chức khủng bố.
Khi phiến quân IS tấn công nhiều khu vực tại Syria vào năm 2014, YPG là một trong các lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất để ngăn chặn đà tiến của nhóm khủng bố. Điều này giúp YPG và sau đó là SDF nhận được hậu thuẫn của Mỹ.
"SDF là đối tác chính của phương Tây trong cuộc chiến chống IS", Clarke nói. "Mỹ không muốn dính líu quá sâu vào Syria, song vẫn ủng hộ thành lập nhà nước dành cho người Kurd giống như các quốc gia phương Tây khác. Do đó, họ chỉ hỗ trợ về tình báo và hỏa lực yểm trợ, còn SDF là bên trực tiếp chiến đấu trên mặt đất".
Sau cuộc chiến chống IS, SDF kiểm soát gần như toàn bộ vùng lãnh thổ từ bờ đông sông Euphrates tới tận biên giới phía bắc với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Họ cũng thi hành các chính sách cai trị riêng, hướng tới một "nền dân chủ phi tập quyền" dựa trên các hội đồng địa phương, chính sách bình đẳng giới và đa sắc tộc, tôn giáo.
Theo chuyên gia Clarke, SDF được "tổ chức tốt" và là nhóm vũ trang mạnh nhất tại Syria nếu xét về số lượng thành viên và năng lực quân sự. Dù vậy, Clarke nhắc lại rằng không giống như HTS, SDF chỉ muốn xây dựng nhà nước tự trị cho người Kurd chứ không đặt mục tiêu kiểm soát toàn bộ Syria.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đội vào Syria để đẩy lui IS và các nhóm vũ trang người Kurd vào năm 2016, một mạng lưới các nhóm dân quân do Ankara hậu thuẫn đã được thành lập và trở thành Quân đội Quốc gia Syria (SNA) sau đó một năm. Nhiều tay súng của SNA là cựu thành viên của Quân đội Syria Tự do (FSA), một liên minh lỏng lẻo các nhóm đối lập vũ trang do những sĩ quan quân đội Syria đào tẩu thành lập vào năm 2011.
Khi mới hình thành, SNA kiểm soát khu vực dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc tỉnh Aleppo. Khu vực này đóng vai trò vùng đệm để ngăn các lực lượng người Kurd xâm nhập Thổ Nhĩ Kỳ.
"Họ có quan điểm chống Hồi giáo giống SDF, chỉ khác là được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thay vì Mỹ", Clarke nói.
Tuy SNA sẵn sàng hợp tác với HTS để lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, về lâu dài hai nhóm vũ trang lại có mục tiêu trái ngược nhau, theo chuyên gia này.
Bản đồ của ISW và Telegraph cho thấy SNA hiện kiểm soát hai vùng lãnh thổ sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc và đông bắc Syria, xen kẽ là các khu vực rộng lớn do SDF nắm giữ.
Ngoài ba lực lượng chính là HTS, SDF và SNA, tại Syria còn có các nhóm khác nhỏ hơn, trong đó có IS. Tuy gần như bị Mỹ cùng đồng minh xóa sổ hoàn toàn tại Syria vào năm 2019, tổ chức khủng bố này này vẫn duy trì hiện diện tại một số khu vực và tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhỏ lẻ. Số lượng các cuộc tấn công có xu hướng gia tăng kể từ năm 2023.
Mỹ hiện duy trì khoảng 900 quân nhân ở Syria để truy quét tàn dư của IS và ngăn nhóm này trỗi dậy.
Một cái tên đáng chú ý khác là Đơn vị Tác chiến Miền nam (SOR), liên minh chống chính phủ mới được thành lập trong tháng này. Liên minh bao gồm khoảng 50 nhóm vũ trang khác nhau, trong đó có các tay súng theo Cơ đốc giáo, Druze và Alawite.
Các liên minh khác theo chủ nghĩa dân tộc hoặc Hồi giáo cũng đã tồn tại nhiều năm qua ở Syria.
"Phần lớn các nhóm vũ trang nhỏ này thường xuyên thay đổi tên và phe cánh. Tất cả đều đang cạnh tranh để mục tiêu, quyền lợi của mình được công nhận bởi bên sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước", Clarke cho hay.
Phạm Giang (Theo Sky News, AFP, Reuters)