"Tôi rất hoan nghênh thông tin Việt Nam tạo điều kiện cho kiều bào về nước đón Tết, nhưng thông báo khá sát với dịp lễ nên rất khó đặt vé máy bay", Khải Văn, 31 tuổi, sống tại Đài Loan 11 năm qua, chia sẻ với VnExpress.
Trong cuộc họp ngày 9/12, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, dự kiến từ ngày 15/12. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người mỗi tuần trong hai tuần thí điểm.
Một ngày trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn, trong đó quy định người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà với thời gian nhất định, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Khải Văn cho hay theo những chính sách này, anh sẽ có thể được tạo điều kiện tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà nếu xét nghiệm âm tính với nCoV, thay cho quy định cách ly tập trung 7 ngày trước đây. Anh đã tiêm mũi vaccine Pfizer thứ hai vào tuần trước.
Dù rào cản về quy định kiểm soát dịch tễ khi về nước đã được tháo gỡ, Khải Văn vẫn lo ngại giá vé quá cao khi đường bay thương mại quốc tế được mở lại từ ngày 15/12. Anh cho biết chi phí đặt chuyến bay hồi hương hoặc chuyến bay thuê trọn gói (charter) trên các trang đặt vé cho tháng 12 và đầu năm sau đang dao động từ hơn 30 triệu đến khoảng 50 triệu đồng.
Trước khi Covid-19 bùng phát, Khải Văn thường đặt vé về Việt Nam ăn Tết vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 với chi phí chưa đến 9 triệu đồng. Nếu có việc gấp cần về nước vào tháng 12 mọi năm, anh vẫn có cơ hội mua được vé với giá 12-15 triệu đồng.
Tình hình đại dịch diễn biến phức tạp cũng khiến Khải Văn lo lắng phải cách ly khi quay lại Đài Loan sau Tết và ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Chính quyền hòn đảo vẫn duy trì quy định "7+7", gồm 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà khi nhập cảnh. Nếu hành khách đến từ các "điểm nóng" Covid-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, thời gian cách ly có thể kéo dài 21 ngày.
Sau nhiều ngày đắn đo, Khải Văn đã quyết định năm nay sẽ tiếp tục đón Tết ở Đài Loan. "Tình hình ở đây đã trở lại bình thường gần như hoàn toàn. Mua sắm Giáng sinh ở các trung tâm vẫn nhộn nhịp do ca nhiễm cộng đồng được khống chế. Nền kinh tế đã mở cửa hơn hai tháng nay", anh nói.
Hương Giang, du học sinh đang học năm cuối chương trình thạc sĩ một đại học ở Northampton, Anh cũng quyết định sẽ chờ đến quý hai, khi tình hình ổn định hơn và trùng vào dịp nghỉ hè để về nước.
Theo Giang tìm hiểu, giá vé các chuyến bay thương mại về Việt Nam có thể lên tới khoảng 55 triệu đồng, nên những du học sinh như chị phải cân nhắc nhiều hơn so với những người đã có công ăn việc làm ổn định tại Anh. Tết năm nay còn trùng với giai đoạn thi cử và dạy học của trường, nên Giang dự định đón Tết tại Anh cùng hội sinh viên Việt Nam như mọi năm.
Cô Tuyết Lê, 68 tuổi, Việt kiều Mỹ đang sống ở bang New Jersey, mong về thăm Việt Nam sau gần ba năm xa cách, song quyết định chưa di chuyển vào thời điểm này.
Cô lo ngại khó khăn đi lại mùa dịch và lượng người cạnh tranh đặt chuyến khi đường bay thương mại được mở lại quá cận Tết sẽ khiến giá vé máy bay tăng cao. Một người bạn của cô trở về Việt Nam hồi tháng 11 vì có việc gấp đã chấp nhận chi khoảng 5.000 USD (hơn 115 triệu đồng).
Nữ Việt kiều cũng băn khoăn về đề xuất "cho người tiêm đủ hai mũi vaccine" không phải cách ly tập trung sau khi nhập cảnh, bởi cô đã tiêm chủng hồi tháng 3 nhưng sử dụng vaccine loại tiêm một mũi của hãng Johnson & Johnson và đang chờ tiêm mũi tăng cường.
Để vơi nỗi nhớ quê nhà trong dịp Tết sắp tới, cô cùng gia đình lên kế hoạch cuối tháng 1 năm sau đến du lịch ở phía nam bang California, nơi tập trung nhiều cộng đồng người Việt và có không khí thân quen. Nếu ở lại New Jersey đón năm mới âm lịch, gia đình "chỉ nấu được mâm cơm cúng giao thừa chứ chẳng gặp được ai khác để chúc Tết", cô nói.
Trung Nhân