Một tối thứ sáu ở Deir el-Balah, miền trung Dải Gaza, Amani al-Hor, 28 tuổi, tụ họp cùng gia đình các anh chị em trong nhà bố mẹ để quên đi tiếng gào rú của bom đạn trên không. Cô trò chuyện cùng họ suốt vài tiếng, sau đó đưa 4 con về căn nhà của mình gần đó.
Khi Amani vừa về nhà, một quả tên lửa lao xuống căn hộ của bố mẹ. Ít nhất 40 người trong gia đình Amani thiệt mạng, gồm bố mẹ, gần như tất cả anh chị em và con cái họ. Vụ không kích cũng làm hư hại nhà của Amani.

Vụ không kích của Israel phá hủy nhà cửa trong trại tị nạn Maghazi ở Deir al-Balah ngày 3/11. Ảnh: AFP
"Tôi không nghe được tiếng tên lửa lao xuống, mà chỉ thấy tường và trần nhà bỗng nhiên sụp xuống", cô kể lại. "Cảm giác như trong hầm mộ. Không hiểu bằng cách nào, tôi đưa được hết các con ra ngoài trong bóng tối".
Amani sau đó bàng hoàng vì số người thiệt mạng trong nhà bố mẹ. "Ngôi nhà từng rất chật chội vì đông người, lũ trẻ luôn ồn ào, nhưng bây giờ tất cả đều nằm dưới đống gạch vụn", cô nói.
Hơn 9.000 người Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các đợt không kích của Israel sau khi nước này mở chiến dịch trả đũa cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10 khiến 1.400 người chết.
Các cuộc không kích liên tục của Israel khiến hàng trăm người ở Gaza thiệt mạng mỗi ngày. Các bệnh viện quá tải và trên bờ vực sụp đổ do thiếu điện, nước sạch, nhiên liệu, vật tư y tế bởi Israel bao vây và phong tỏa. Số nạn nhân tử vong quá lớn trong 28 ngày qua khiến họ phải nhanh chóng chôn cất người thân mà không thể thực hiện các nghi thức tôn giáo cần thiết.
"Trước đây, các tang lễ được tổ chức với rất nhiều nghi thức", Mukhtar al-Hor, 57 tuổi, họ hàng của Amani, nói. "Hàng chục, hàng trăm người sẽ cầu nguyện cho người đã khuất trước khi đưa họ đi an táng. Bây giờ, chỉ còn một số ít người có thể cầu nguyện cho thân nhân".

Mộ tập thể ở Deir al-Balah ngày 23/10. Ảnh: AFP
Mukhtar cho biết ít nhất 18 thi thể được kéo ra từ đống gạch vụn sau trận không kích ở trại tị nạn Nuseirat, một số không còn nguyên vẹn.
"Tôi không thể diễn tả được cảm giác phải chôn cất các thành viên gia đình trong một ngôi mộ tập thể", ông bày tỏ. "Họ không được hưởng những nghi thức mà chúng tôi làm vào thời bình".
Diab al-Jaru, thị trưởng Deir el-Balah, cho hay thành phố ghi nhận ít nhất 20 cuộc tấn công lớn của Israel trong 4 tuần qua, trong đó có những vụ tấn công nhắm vào dân thường và người sơ tán.
"Tới nay, hơn 400 người ở Dei el-Balah đã thiệt mạng", ông nói. "Người chết quá nhiều khiến nghĩa trang không còn chỗ".
Ông cho hay họ không còn lựa chọn nào khác ngoài phân chia giới tính người chết và chôn trong mộ tập thể. "Chỉ trong tối thứ 6 đã có 150 người chết", ông nói.
Người Palestine gọi những người thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel là "tử vì đạo" và đám tang những người này mang ý nghĩa sâu sắc đối với cộng đồng. Nhưng chiến dịch tấn công hiện nay của Israel vào Gaza đã khiến tang lễ phải tiến hành trong vội vã.
Bình thường, sau khi được tắm rửa, thi hài người đã khuất sẽ được đưa về nhà để phụ nữ trong gia đình nói lời từ biệt, sau đó chuyển tới nhà thờ Hồi giáo để đàn ông cầu nguyện trước khi đưa tới nghĩa trang.
Abu Ammar, người phụ trách công việc tắm rửa thi hài người chết theo nghi thức Hồi giáo ở bệnh viện Al-Aqsa, cho hay mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm thi thể từ khi các vụ tấn công của Israel.
Lễ cầu nguyện thực hiện ngay trong khuôn viên bệnh viện với sự tham gia của rất ít người. Thi thể sẽ được đưa đi chôn trong huyệt tập thể, không có bia mộ riêng.
"Trước chiến tranh, thi thể người lớn sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng, long não và liệm trong ba tấm vải. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi không có thời gian hay phương tiện làm như thế", ông nói. "Chúng tôi cố gắng lau sạch vết máu trên mặt, chỉ bọc một tấm vải liệm vì hoàn cảnh thiếu thốn".

Abu Ammar, nhân viên nhà xác bệnh viện Al-Aqsa ở Deir el-Balah, ngày 3/11. Ảnh: Al Jazeera
Do quá nhiều người chết, ban quản lý bệnh viện buộc phải để một số thi thể nằm ngoài sân. Ammar cho hay đã chứng kiến rất nhiều thi thể không nguyên vẹn.
"Những vũ khí sát thương mạnh nhất đang được sử dụng để chống lại chúng tôi. Hành động này đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ, vi phạm mọi luật nhân quyền quốc tế. Thế giới phải chấm dứt cuộc chiến man rợ chống lại chúng tôi", người đàn ông 45 tuổi nói.
Chiến sự Israel - Hamas sắp bước sang tháng thứ hai. Dù cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi ngừng bắn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel "sẽ không dừng lại tới khi giành chiến thắng", nêu rõ mục tiêu của nước này là "xóa sổ Hamas, giải thoát cho các con tin và khôi phục an ninh".
Về phía Hamas, lực lượng này tuyên bố sẽ không ngừng tiến hành các vụ đột kích tương tự 7/10 cho tới khi "hủy diệt Israel".
Hồng Hạnh (Theo Al Jazeera)