Nhiều người đang băn khoăn liệu có phải chúng ta sắp đối mặt với đại dịch mới khi nCoV lan ra nhiều nước và số ca nhiễm bệnh không ngừng tăng lên mỗi ngày. Đại dịch là dịch bệnh bùng phát và lan qua biên giới các quốc gia và khác với dịch bệnh địa phương ở chỗ số người bị ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Trong lịch sử có nhiều đại dịch như đậu mùa và lao. Có lẽ đại dịch chết chóc nhất là Cái chết Đen từng cướp đi mạng sống của 100 triệu người vào thế kỷ 14. Các đại dịch trong lịch sử dường như đều xuất phát từ vấn đề vệ sinh.
Từ năm 430 đến năm 426 trước Công nguyên, đại dịch thành Athens làm thành phố mất đi ưu thế trong Chiến tranh Peloponnesian khi thương hàn khiến 1/4 dân số và binh lính ở đây tử vong trong vòng 4 năm. Nhưng trong trường hợp này, độc lực của dịch bệnh nằm ở chỗ vi trùng gây bệnh giết chết vật chủ nhanh hơn so với tốc độ nhân lên, góp phần ngăn bệnh thương hàn lan ra rộng hơn. Nguồn gốc của dịch bệnh này vẫn là điều bí ẩn cho tới tháng 1/2006, nhóm nghiên cứu ở Đại học Athens công bố trên tạp chí Scientific American kết quả phân tích dựa trên hàm răng lấy từ ngôi mộ tập thể trong thành phố và xác nhận sự tồn tại của vi trùng khiến dịch thương hàn bùng phát.
Giữa năm 165 và 180, đại dịch Antonine cướp đi tính mạng của 5.000 người La Mã chỉ trong một ngày. Nguyên nhân được cho là do virus đậu mùa mà binh lính mang theo khi trở về vùng Cận Đông. Khi đại dịch kết thúc, khoảng 5 triệu người đã tử vong, theo BBC.
Đại dịch Cyprian (năm 251 - 266) đánh dấu lần đầu tiên dịch hạch bùng phát ở Ai Cập. Theo nhà chép sử người Ba Tư Procopius of Caesarea, trong chưa đầy một năm, dịch bệnh đã lan tới Constantinople và giết chết 10.000 người, ước tính 40% dân số thành phố. Đại dịch này làm dân số châu Âu giảm một nửa từ năm 550 đến năm 700.
Năm 1331 - 1335, dịch Cái chết Đen gây ra 75 triệu ca tử vong trên khắp thế giới. Hơn 100 đợt tái phát dịch ảnh hưởng nặng nề tới châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. Năm 1361 - 1480, cứ 2 - 5 năm, bệnh dịch hạch lại xuất hiện ở Anh. Vào thập niên 1370, dân số Anh đã giảm 50%. Khi dịch hạch hoành hành ở London vào năm 1665 - 1666, trận đại dịch giết chết khoảng 100.000 người, chiếm 10% dân số thành phố.
Dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra từ năm 1918 đến 1920 lây nhiễm sang 500 triệu người trên khắp thế giới. Trong đại dịch này, tỷ lệ tử vong ở thanh niên trẻ tuổi đặc biệt cao. Theo nghiên cứu công bố năm 2013 trên tạp chí PLOS ONE, cúm Tây Ban Nha giết chết "nhiều người hơn Thế chiến I". Trong vòng 25 tuần, căn bệnh khiến nhiều người tử vong hơn so với dịch AIDS trong 25 năm.
Hôm 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch hô hấp do nCoV là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tính đến ngày 3/2, số người chết do nCoV tăng lên 362, số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng lên 17.000, theo công bố của Ủy ban Y tế Quốc gia tại Bắc Kinh. Giới chuyên gia y tế đang ưu tiên nghiên cứu 2019-nCoV để kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang kết hợp rửa tay thường xuyên để hạn chế lây nhiễm.
An Khang (Theo Ancient Origins)