Coke: "Share a Coke"
Với lịch sử phát triển hơn 100 năm tuổi, Coca Cola đã có nhiều quảng cáo độc đáo, sáng tạo, trong đó có "Share a Coke" (tạm dịch: chia sẻ một chai Coke). Chiến dịch gây ấn tượng với người tiêu dùng toàn thế giới nhờ đánh vào tâm lý đề cao cái tôi cá nhân của nhiều người.
"Share A Coke" xuất hiện đầu tiên ở Australia vào năm 2011 khi cá nhân hóa mỗi chai Coke bằng việc in 150 tên phổ biến lên bao bì. Chiến dịch này sau đó được áp dụng tại Mỹ rồi nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Với chiến dịch này, người tiêu dùng thậm chí có thể đặt hàng các chai theo yêu cầu trên trang web của công ty.
Bài học: Đây là một câu chuyện gây chấn động trong ngành tiếp thị và quảng cáo. Ý tưởng này đã mê hoặc nhiều người tiêu dùng, đặc biệt khi khẩu hiệu chính của chiến dịch là "Share a Coke" - cụm từ kêu gọi hành động rõ ràng. Slogan khuyến khích khách hàng mua và chia sẻ một chai Coke với người thân, đồng thời kể những câu chuyện của họ lên mạng.
Apple: "Get a Mac"
Chiến dịch này được xây dựng dưới dạng một TVC quảng cáo. Nội dung chính của đoạn video 30 giây xoay quanh miêu tả về 2 anh chàng. Anh chàng Mac - một chàng trai trẻ trung, năng động, thời thượng với quần jeans và áo phông. Ngược lại, PC là một anh chàng mập ú, chậm chạp với bộ vest lỗi thời. Apple đã khéo léo xây dựng hai nhân vật đại diện cho hai trường phái thời trang khác nhau để truyền đạt thông điệp một cách tinh tế, ẩn dụ cho Mac và PC.
Kết quả, sau khi chiến dịch diễn ra một năm, Apple đã tăng trưởng 42% thị phần, đồng thời khiến Microsoft phải chật vật tìm lại chỗ đứng trên thị trường.
Bài học: Đừng nghĩ rằng vì sản phẩm của bạn có thể thực hiện được một vài đặc điểm, tính năng nổi trội hơn so với đối thủ mà được phép "nhồi nhét" khách hàng phải tiếp nhận chúng. Thay vào đó, hãy giới thiệu, giải thích những lợi ích của sản phẩm theo cách khách hàng có thể hiểu và hình dung nhanh nhất.
KFC: "FCK"
Tháng 2/2018, doanh nghiệp KFC tại Anh... hết thịt gà, một khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ. Nguyên nhân là do thương hiệu gặp vấn đề về chuỗi cung ứng. Điều này đã khiến mọi ánh mắt đồ dồn vào phản ứng tiếp theo của doanh nghiệp.
Trước tình huống bất ngờ đó, với sự giúp đỡ của cơ quan sáng tạo Mother London, KFC đã có lời xin lỗi hài hước. Trên tờ quảng cáo là hộp đựng gà rán trống rỗng và tên thương hiệu "KFC" đã bị đổi trật tự các chữ cái thành "FCK" để tự chế giễu sự cố của mình và cho rằng điều này không thể chấp nhận được.
Lời xin lỗi từ KFC nhanh chóng lật ngược tình thế, thậm chí biến cuộc khủng hoảng thành một chiến thắng lớn trong truyền thông, bởi đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng.
Bài học: Hãy xin lỗi khách hàng khi cần thiết và biến sự cố của mình thành một chiến lược truyền thông khéo léo cho thương hiệu.
Vậy điều gì tạo nên một chiến dịch quảng cáo tuyệt vời? Theo chuyên gia tư vấn chiến lược và vận hành tại McKinsey & Company, chiến dịch đó phải đáng nhớ, hấp dẫn và trên hết, phải bán sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
Google: "Year in search"
Đây không phải là quảng cáo lâu đời nhất hoặc nổi tiếng nhất của Google, nhưng lại là chiến dịch có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cho tới tận ngày nay, tới mức nhiều người quên mất đó là một quảng cáo.
Chiến dịch "Year in Search" triển khai vào năm 2009 với tên "Zeitgeist". Đây là một báo cáo bằng văn bản ghi lại chi tiết các tìm kiếm phổ biến nhất trên Google trong 12 tháng trước đó. Google đã thiết kế báo cáo này dưới dạng một video dài khoảng ba phút. Từ đó, chiến dịch này trở thành một lời nhắc nhở thường lệ hàng năm về mức độ phụ thuộc vào Google để cập nhật thông tin, tin tức, sự kiện trên toàn cầu.
Bài học: Các nhà tiếp thị hãy luôn gợi nhớ lại cho khách hàng những thông tin mà họ quan tâm và chứng minh rằng doanh nghiệp cũng quan tâm đến những vấn đề đó. Mỗi video là các câu chuyện gợi ra loạt cảm xúc khác nhau nhưng tổng kết lại là thông điệp nhằm nâng cao về cách khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.
Nike: "Just Do It"
Giai đoạn mới thành lập, các sản phẩm của Nike hầu như chỉ phục vụ vận động viên marathon và được đón nhận tích cực vào những năm 1970, 1980. Sau đó, thương hiệu này bắt đầu đầu rơi vào khủng hoảng bởi trào lưu chạy bộ đang dần biến mất cùng sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới, điển hình là Reebok. Trước thực trạng đó, Nike nhận ra công ty phải đặt mong muốn của người tiêu dùng vào vị trí trung tâm. Vì vậy, năm 1988, thương hiệu đã trở lại đường đua khi tung ra chiến dịch "Just Do It" (Cứ làm đi). Kết quả, năm 1988, doanh thu của hãng đạt 800 triệu USD, đến năm 1998, doanh thu đã vượt 9,2 tỷ USD.
"Just Do It" ngắn gọn nhưng gói gọn những cảm xúc mà mọi người cảm thấy khi tập luyện. Người tiêu dùng vẫn cảm nhận được điều đó đến tận ngày nay. Bạn không muốn chạy năm dặm? "Cứ làm đi". Bạn không muốn đi bộ lên bốn tầng cầu thang? "Cứ làm đi". Đó là khẩu hiệu mà tất cả ai cũng có thể liên tưởng đến: nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân.
Bài học: Khi bạn đang tìm cách tốt nhất để giới thiệu thương hiệu của mình, hãy tự hỏi: "bạn đang giải quyết vấn đề gì cho khách hàng?", "sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cung cấp giải pháp gì?". Bằng cách nhấn mạnh vào vấn đề cốt lõi trong tất cả thông điệp, bạn sẽ kết nối với người tiêu dùng với cao trào của cảm xúc.
Volkswagen: "Think Small"
Trong ngành tiếp thị và quảng cáo, chiến dịch "Think Small" (Tạm dịch: nghĩ nhỏ) của Volkswagen được xem là tiêu chuẩn vàng. Chiến dịch ra đời vào năm 1960, nhằm trả lời câu hỏi: "làm cách nào để thay đổi nhận thức của mọi người không chỉ về một sản phẩm mà còn về cả một nhóm người".
Những năm 1950, dù Mỹ là trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới nhưng nhiều người dân vẫn ám ảnh với chiến tranh và họ không mua những chiếc xe nhỏ của Đức. Vì vậy, việc đưa một chiếc xe có nguồn gốc từ Đức vào Mỹ là một nhiệm vụ khó khăn.
Volkswagen đã thiết kế một quảng cáo đen trắng với kích thước ảnh rất nhỏ và tập trung vào tiết kiệm chi phí cũng như lợi ích, tính năng của sản phẩm. Kết quả, "Think Small" đã thành công khi đánh đúng vào insights của giới trẻ Mỹ bằng việc phá bỏ khuôn mẫu để tạo ra sự mới lạ. Hiện Volkswagen trở thành một trong những thương hiệu ô tô nổi tiếng nhất trên thế giới.
Bài học: "Think Small" của Volkswagen mang đến thông điệp hãy luôn trung thực về đặc điểm cũng như tính năng của sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần những ý tưởng đột phá thậm chí đi ngược lại với số đông và thời đại. Khuyết điểm không xấu nếu bạn biết biến nó thành những yếu tố hài hước để tạo lợi thế, bởi người tiêu dùng có thể nhận ra và luôn đánh giá cao sự trung thực.
Thế Đan