NBC News ngày 5/7 đưa tin nhóm gồm các cựu quan chức an ninh quốc gia, quốc phòng Mỹ, trong đó có chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass, cùng hai cựu trợ lý Nhà Trắng đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại New York hồi tháng 4.
6 nguồn tin cho biết cuộc thảo luận nhằm đặt nền móng cho những cuộc đàm phán tiềm năng để chấm dứt chiến sự Ukraine. Chính quyền Tổng thống Joe Biden biết nhưng không có chỉ đạo về những cuộc gặp. Những người gặp Ngoại trưởng Lavrov cũng đã thông báo cho Nhà Trắng sau đó.
Hiện chưa rõ nhóm cựu quan chức Mỹ có thường xuyên thảo luận với những người Nga khác được cho là thân cận với Điện Kremlin hay không. Ít nhất một thành viên trong nhóm đã đến Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/7 nói Washington không phê chuẩn hay ủng hộ những cuộc thảo luận như vậy. "Như chúng tôi đã nói nhiều lần, mọi cuộc thảo luận về Ukraine đều vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Kiev", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay, đề cập chính sách của chính quyền ông Biden.
Người phát ngôn cũng khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để Kiev có ưu thế khi đàm phán vào thời điểm thích hợp.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cũng khẳng định Nhà Trắng đã biết về các cuộc thảo luận không chính thức nêu trên.
"Nhưng tôi muốn nói rõ rằng những cuộc thảo luận này không được chúng tôi khuyến khích hay sắp xếp. Chúng tôi không hỗ trợ chúng theo bất kỳ cách nào. Như Tổng thống đã nói, không bàn về Ukraine nếu không có sự tham gia của Ukraine", Kirby nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 5 nói rằng Nga không muốn xung đột ở Ukraine lâm vào bế tắc, nhưng vẫn chưa có điều kiện tiên quyết nào cho giải pháp hòa bình. Ông cũng nhắc đến việc Kiev đã cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley sau đó cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài, không bên nào có thể giành được chiến thắng và cũng không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra.
Một số quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi hay Giáo hoàng Francis đều bày tỏ muốn làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine. Trung Quốc hồi tháng 2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm, khẳng định đàm phán là "giải pháp duy nhất" cho cuộc xung đột.
Huyền Lê (Theo Reuters, NBC)