Tạ Hữu Thắng, sinh viên năm cuối tại Bắc Từ Liêm, cho biết anh cũng như bạn bè thường tải game từ kho ứng dụng App Store và Google Play. Việc thanh toán, mua vật phẩm trong trò chơi cũng dễ dàng, thông qua ví điện tử, thẻ tín dụng.
Tương tự, theo Việt Anh, một game thủ lâu năm ở TP HCM, những người như anh thực tế không mấy quan tâm mấy tới vấn đề giấy phép của game bởi có thể tiếp cận trò chơi nhanh chóng qua các nền tảng Steam, Epic Game Launcher.
Tại cuộc họp về thanh toán trong game ngày 23/3 ở Hà Nội, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tình trạng game lậu tràn lan có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Hàng trăm nghìn game nước ngoài đang tiếp cận người dùng trong nước thông qua cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play. Tuy nhiên, việc chưa được cơ quan chức năng cấp phép và phê duyệt nội dung, kịch bản đang dẫn đến những nguy cơ người chơi game sẽ gặp phải thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, cờ bạc, cá độ, khiêu dâm.
Theo các chuyên gia, nhiều người dùng tại Việt Nam chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình khi tải và chơi game. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết việc thanh toán trong game không phép diễn ra dễ dàng dưới nhiều hình thức nên người dùng còn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình chọn lựa và sử dụng dịch vụ, ứng dụng game.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, game không phép, trong đó có cả game bài đổi thưởng, game cờ bạc cá độ, có doanh thu ước tính gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 30% doanh thu ngành game tại Việt Nam.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết sẽ cập nhật danh sách game được cấp phép và không phép để các bên trung gian thanh toán và người chơi có thể đối chiếu.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tình trạng game lậu, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán phải có giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho game không phép qua hệ thống của mình.
Minh Hoàng