Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đặt chỗ ở mức trung bình thấp. Một số đường bay nội địa từ hai thành phố lớn của cả nước (Hà Nội, TP HCM) tới các địa phương khác chỉ đạt 20-40% trong giai đoạn 15/6-15/7 - cao điểm hè. Tức là ghế trống trên nhiều chặng nội địa không lấp đầy được một nửa số các hãng mở bán.
Chẳng hạn, ngày 14/6, trên 50% ghế trên các đường bay từ Hà Nội và TP HCM đi các địa phương được đặt mua trong các ngày cận kề và rơi vào cuối tuần (15-17/6). Với các ngày xa hơn, tỷ lệ này thấp hơn, dao động 20-40%.
Riêng một số đường bay kết nối tới các điểm du lịch, vé được đặt mua nhiều hơn. Đơn cử, chặng Hà Nội - Quy Nhơn tỷ lệ đặt chỗ ngày 15/6 là gần 81% và 72,5% vào 16/6. Tương tự, ngày 15/6, vé mua chặng Hà Nội - Phú Quốc đạt xấp xỉ 75%; còn Hà Nội - Nha Trang gần 74%.
Các hãng một tháng gần đây đã phải tăng tần suất khai thác của máy bay vào ban đêm để giúp thị trường có thêm dải vé giá rẻ dịp cao điểm hè. Tuy nhiên, giá vé các chuyến bay tới những điểm du lịch, nhất là vào ngày cuối tuần vẫn neo ở mức cao.
Ghi nhận tại ngày 15/6, theo thống kê của Cục Hàng không, giá vé một chiều từ 1,9 triệu (Bamboo Airways) đến 2,4 triệu (Vietnam Airlines) với chặng có tỷ lệ đặt chỗ cao như Hà Nội - Quy Nhơn. Các mức giá trên chưa gồm thuế phí, tương đương 67-83% mức trần tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng).
Trên chặng Hà Nội - Phú Quốc giá vé dao động từ 2,7 triệu (Vietnam Airlines) đến 3,4 triệu (Vietjet), tương đương 69-87% so với trần giá 4 triệu đồng. Như vậy, giá vé ngày 15/6 chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines vẫn tương đương với bình quân giá 4 tháng đầu năm nay theo báo cáo của Cục Hàng không công bố hồi đầu tháng trước. Còn giá của Vietjet cao hơn, khi bình quân giá vé 4 tháng đầu năm chặng Hà Nội - Phú Quốc của hãng này chỉ xấp xỉ 1,8 triệu đồng.
Cục Hàng không Việt Nam và các hãng khuyến cáo hành khách cần sớm có kế hoạch di chuyển, mua vé qua kênh bán chính thức... để chọn được vé giá hợp lý. Trong dịp cao điểm hè, thực tế dải giá vé thấp cũng thường chỉ xuất hiện tại các chuyến sáng sớm hoặc đêm muộn.
Tại một hội thảo cuối tuần trước, CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nêu thực trạng nhiều chuyến bay đêm của hãng ế khách. Riêng tháng 5, hãng hàng không quốc gia đã hủy 10% trong tổng số chuyến bay đêm vì không có khách.
Lý do khách hàng chưa sẵn sàng bay đêm, theo ông Hà, họ có thể mất thêm một đêm lưu trú khi chính sách nhận/trả phòng của các khách sạn chưa linh hoạt. Đồng thời, các phương tiện công cộng phục vụ nhu cầu di chuyển ban đêm cũng chưa thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel và Vietravel Airlines (hai doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, hàng không), cũng cho rằng bay đêm chặng nội địa rất khó có khách. Việc bay đêm chỉ phù hợp với dịp cao điểm Tết phục vụ người dân về quê hoặc các chuyến charter (thuê bao nguyên chuyến) tới các địa điểm xa, thời gian bay dài. Trong trường hợp du lịch nước ngoài, bay đêm sẽ giúp du khách tiết kiệm được chi phí khách sạn đêm đầu tiên.
Anh Tú