Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết, địa phương có 32 công ty xin cấp giấy phép mới trong ba tháng qua. Còn tại Hà Nội, 26 công ty lữ hành quốc tế mới được thành lập; con số này ở Đà Nẵng, Khánh Hòa... tương ứng 7 và 11 doanh nghiệp.
Theo Luật Du lịch, để được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có ký quỹ. Công ty kinh doanh lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng (thủ tục đăng ký với Sở Du lịch địa phương); trong khi đó, lữ hành quốc tế đón khách quốc tế đến Việt Nam ký quỹ 250 triệu đồng; lữ hành quốc tế đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài ký quỹ 500 triệu đồng (đăng ký với Tổng cục du lịch). Nếu kinh doanh cả ba mảng, tổng số tiền ký quỹ 500 triệu đồng.
Bà Lê Hà, giám đốc Công ty Domi Travel có trụ sở tại TP HCM, chia sẻ: "Chúng tôi mới thành lập công ty và gặp ngay đại dịch. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin thị trường sẽ sớm hồi phục. Sau dịch, khách nội địa sẽ kéo lại sự phát triển của ngành nên cần sự chung tay để có được giá kích cầu, kích thích người dân đi du lịch", bà Hà nói.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp trả giấy phép lữ hành cũng không ít do thị trường khó khăn. Theo ông Vũ Quý Phương, Vụ trưởng vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch), số doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin trả giấy phép trong quý I/2020 tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Song ông Phương không nêu con số cụ thể trên cả nước.
Đến nay, TP HCM có khoảng 26 đơn vị trả giấy phép kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19. Một số doanh nghiệp cho biết, thị trường du lịch "đóng băng" chưa xác định được giai đoạn phục hồi, nên xin chấm dứt hoạt động để rút tiền ký quỹ nhằm xoay sở là điều dễ hiểu. Theo quy định, xin thu hồi giấy phép lữ hành sau 60 ngày mới được rút tiền ký quỹ.
Hiện khoảng 95 - 98% doanh nghiệp lữ hành trên cả nước phải tạm dừng hoạt động do vắng khách. Ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc Images Travel, cho biết tất cả tour đến từ thị trường châu Âu của công ty bị hủy đến hết tháng 9/2020. Từ tháng 5, đơn vị này buộc phải cắt giảm 30% nhân sự; số nhân viên còn lại làm bán thời gian.
Nguyễn Nam