Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ đề xuất cơ sở nghiên cứu được phép đăng ký kinh doanh; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tổ chức quản trị theo mô hình doanh nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương, nói việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học rất cần thiết, tạo động lực cho nghiên cứu, từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai cho đến nỗ lực để có kết quả cuối cùng. Việc này tạo ra, bổ sung, bồi đắp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và đảm bảo đời sống, vị thế của nhà khoa học.
Theo ông Trí, trong bất kỳ ngành nghề nào, chỉ những người giỏi nhất lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp, họ làm tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Trong y khoa, họ về các bệnh viện lớn để nghiên cứu vấn đề về sức khỏe. "Đó là những người rất ưu tú, nhưng bằng hoạt động nghiên cứu khoa học họ càng ngày càng khó khăn hơn trong cuộc sống, nhất là về tiền lương, thu nhập", ông Trí nói.
Điều đáng buồn là thu nhập trở thành "rào cản rất lớn để họ có thể phát huy được tài năng, năng lực". Trên thế giới, các nước giải quyết vấn đề này nhờ đẩy mạnh thương mại hóa nghiên cứu khoa học, biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa đặc biệt của trí tuệ. Kết quả càng sớm đưa vào thực tế cuộc sống, của cải vật chất, lợi ích mang lại cho cộng đồng và chính nhà khoa học càng nhiều.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương. Ảnh: Giang Huy
Tuy nhiên tại Việt Nam, ông Trí cho rằng sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa còn quá ít, "phần lớn nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc và mục nát theo thời gian". Lấy ví dụ trong lĩnh vực huyết học, Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã nghiên cứu thành công hệ thống phát hiện bất thường của hồng cầu trong quá trình truyền máu. Hệ thống của Viện rẻ hơn so với nhập từ nước ngoài và quan trọng nhất là sản phẩm phù hợp với đặc điểm hồng cầu của người Việt.
"Đưa vào sử dụng rất tốt, nhưng để thương mại hóa cung cấp cho cả nước thay thế cho sản phẩm nước ngoài gặp vô vàn khó khăn về thủ tục. Vì vậy, số lượng được sản xuất chỉ ở mức nhỏ, còn lại không thể thương mại hóa rộng rãi, rất lãng phí", ông Trí nói. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát văn bản pháp luật đã có, trong đó có đấu thầu, định giá, chuyển giao để bổ sung chính sách khả thi nhằm thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cũng đồng tình thủ tục hành chính, quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ hiện nay quá rườm rà, chưa thể hiện rõ được sự dám mạo hiểm, dám thất bại theo tinh thần nghiên cứu khoa học.
Ông lấy ví dụ hoạt động thăm dò dầu khí, 10 mũi khoan may ra mới được một mũi có dầu. Nhưng đầu tư cho khoa học còn khó khăn hơn vì thăm dò còn biết chắc bên dưới có dầu, chứ nghiên cứu còn chưa biết có thể khám phá những gì. Đây là nút thắt rất lớn trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Vì vậy, ông đề nghị bỏ tất cả quy định liên quan đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ.
Đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ông nhìn nhận không phải kết quả nào cũng có thể ứng dụng thông qua doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu quan trọng song vẫn ở mức cơ bản, phải qua rất nhiều quy trình mới có thể chuyển thành ứng dụng trong doanh nghiệp. Vì vậy, ông đề nghị bổ sung chính sách nhà nghiên cứu được thương mại hóa sản phẩm hoặc bán cho người khác, cơ quan, đơn vị khác nghiên cứu tiếp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi chép ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội
Phó ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho rằng dự thảo cần nhiều hơn cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ để đảm bảo đột phá thực sự so với hiện nay. Bà đề xuất thời gian cấp bằng sáng chế phải rút ngắn tối đa xuống 3 năm, trong đó thẩm định nội dung không quá 12 tháng. Quy trình đăng ký lưu hành sản phẩm khoa học phải đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính và cần quy định thời gian tối đa để đăng ký lưu hành sản phẩm theo lĩnh vực không quá 24 tháng.
Bà Hà cũng nhìn nhận thực tế sản phẩm khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, sinh học, năng lượng tái tạo chưa có cơ chế thống nhất trong việc đăng ký lưu hành. Một số sản phẩm phải đăng ký qua nhiều cơ quan như Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông tùy theo lĩnh vực phụ trách.
Trong khi đó, Luật và nghị định thường xuyên thay đổi, doanh nghiệp khó theo kịp để hoàn thành hồ sơ đúng yêu cầu. Một sản phẩm phần mềm Trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ y tế có thể bị yêu cầu vừa đăng ký tại Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, bà Hà đề nghị có quy định một quy trình chung cho các sản phẩm khoa học, tránh chồng chéo giữa các bộ ngành; áp dụng cơ chế một cửa, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tại một cơ quan đầu mối.
Sơn Hà