"Tôi nghĩ rằng rất khó để đưa ra các mốc thời gian. Không một nước nào muốn mở cửa quá sớm rồi trở thành nơi đầu tiên hứng đợt bùng phát thứ hai", giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong Ben Cowling nói trong chương trình của CNBC hôm 13/4.
Nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng tăng số ca nhập khẩu trong lúc đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn đang giáng đòn mạnh vào nền kinh tế trừ lĩnh vực thiết yếu. Số ca nhiễm tại Trung Quốc và Singapore có chiều hướng giảm, song hai nước này phát hiện nhiều ca ngoại nhập trong những ngày gần đây.
"Tôi nghĩ điều này rất khó bởi chúng ta hiểu rằng ngay cả những nước vượt qua đợt (bùng phát) đầu tiên, họ sẽ gặp thách thức từ những nước chưa hết đợt thứ nhất hoặc đang trải qua đợt thứ hai. Tại Trung Quốc, đợt bùng phát thứ hai có thể đang diễn ra", Cowling nói.
Chuyên gia dịch tễ nhận định tình hình Covid-19 tại Hong Kong, Singapore và nhiều nơi khác ở châu Á cho thấy "các ca nhập khẩu" gây ra vấn đề lớn cho nỗ lực kiểm soát đại dịch ở địa phương. "Xét nghiệm là rất quan trọng, nhưng vẫn cần duy trì cách biệt cộng đồng. Do đó thậm chí đến tháng 6 hoặc tháng 7 vẫn chưa thể mở cửa (nền kinh tế) hoàn toàn", Cowling cảnh báo.
Singapore từng được ca ngợi nhờ ứng phó sớm từ tháng 1 giúp giảm tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên, số ca nhiễm và cụm dịch tại Singapore tăng đột biến gần đây.
Giới chức Singapore chọn xét nghiệm và truy vết để đối phó với đại dịch, phương pháp này hoạt động tốt "trước khi các ca nhập khẩu gây ra rắc rối", Cowling cho biết.
"Xét nghiệm và truy vết sẽ hiệu quả trong một thời gian, nhưng sau đó sẽ bị áp đảo bởi các ca nhập khẩu hoặc một đợt bùng phát. Khi phương pháp này bị áp đảo, rất khó để lấy lại những gì ta thấy ở Singapore. Đó là lý do việc giữ các con số thấp là thách thức", Cowling nói.
Chuyên gia dịch tễ học cảnh báo số ca nhiễm quá lớn không chỉ áp đảo biện pháp xét nghiệm và truy vết mà còn thách thức hiệu quả của các biện pháp cách biệt cộng đồng. Cowling cho biết bài học rút ra từ tình hình ở Singapore là xét nghiệm và truy vết các ca nhiễm vẫn quan trọng, song cần duy trì "cách biệt cộng đồng ở một số cấp độ để tiếp tục chiến lược thoát dịch".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 2 triệu người nhiễm nCoV, hơn 126.000 người chết và hơn 478.000 người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến (Theo CNBC)