Sau hơn hai tuần xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza leo thang nghiêm trọng, Hoàng Linh, 22 tuổi, cho biết anh "thuộc hết vị trí tất cả hầm tránh bom và nơi lánh nạn" trong làng Idan, một trong 5 moshav, mô hình hợp tác xã kết hợp khu định cư tại thung lũng Arava, miền nam Israel.
Thanh niên gốc Nghệ An này đến Israel hồi tháng 8 theo chương trình tu nghiệp sinh, nhưng giờ đây phải cân nhắc nghiêm túc về lựa chọn đi hay ở, khi diễn biến chiến sự ngày một khó lường.
"Nghe tin chiến sự nổ ra, gia đình khuyên tôi về nước nếu có chuyến bay phù hợp. Tôi đang cân nhắc, bởi tình hình an ninh trong vùng đã được cải thiện, nhưng vẫn lo lắng vì bom đạn vô tình, khó tránh khỏi bất trắc", Hoàng Linh nói với VnExpress.
Khi Hamas mở chiến dịch tấn công miền nam Israel hôm 7/10, Hoàng Linh cùng các bạn học đang ở làng Eshbol, cách Dải Gaza khoảng 15 km. Ngôi làng này cách Sderot, một trong những mục tiêu đầu tiên bị Hamas tập kích, khoảng 10 km.
Theo dõi tin tức và biết các tay súng Hamas không chỉ tấn công chốt biên phòng và đồn cảnh sát mà còn nhắm đến dân thường, Hoàng Linh vô cùng lo lắng.
Khi quân đội Israel mở chiến dịch phản kích và truy quét Hamas, Hoàng Linh cùng các thành viên trong nhóm được yêu cầu ở yên trong nhà vì vẫn còn nguy cơ các tay súng xâm nhập vào khu dân cư. Họ khóa chặt cửa nhà vào ban đêm, chỉ mở khi có thông báo an toàn.
Đến ngày 14/10, Hoàng Linh cùng các bạn học được chương trình tu nghiệp sinh chuyển tới Idan, nằm cách biên giới Dải Gaza hơn 110 km và có khoảng 400 dân sinh sống. Lính gác cầm súng túc trực 24/24 ở lối ra vào của làng, toàn bộ cư dân cũng như tu nghiệp sinh được yêu cầu cài đặt ứng dụng cảnh báo an ninh trong điện thoại.
Nhưng khoảng cách và những biện pháp an ninh đó không khiến Hoàng Linh yên tâm hoàn toàn trước các đợt tập kích rocket của Hamas, lực lượng sở hữu những vũ khí có tầm bắn lên tới 160 km. Nhiều đêm, anh vẫn cảm nhận rõ nhà rung lắc, nhìn thấy vệt lửa của rocket phóng lên trên bầu trời, sau đó là tiếng nổ từ xa vọng đến.
Để đảm bảo an toàn, Hoàng Linh chủ động quan sát và thuộc lòng vị trí các hầm trú ẩn nếu có tập kích rocket, thậm chí "tính trước hướng chạy thoát trong trường hợp làng Idan thất thủ".
Nông trường nơi Hoàng Linh làm việc đã hoạt động bình thường trở lại khoảng một tuần qua, khi quân đội Israel tuyên bố khôi phục hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ và chuyển sang giai đoạn không kích vào Dải Gaza.
Anh hy vọng chiến sự sẽ giảm căng thẳng để tiếp tục ở lại hoàn tất chương trình tu nghiệp sinh, nhưng vẫn sẵn sàng sơ tán về nước nếu giao tranh lan rộng. Quân đội Israel tập kết hàng trăm nghìn binh sĩ dọc biên giới Dải Gaza, chuẩn bị mở chiến dịch tấn công trên bộ vào vùng đất này.
Tuy nhiên, các lực lượng ủng hộ Hamas như Hezbollah ở Lebanon đe dọa sẽ mở "mặt trận thứ hai" nhắm vào Israel nếu nước này đưa quân vào Gaza. Những tuyên bố như vậy gây lo ngại về nguy cơ lửa xung đột lan rộng và trở thành một cuộc chiến quy mô lớn.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, khoảng 500 người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước này, hầu hết ở các thành phố lớn, còn lại rải rác ở nhiều khu vực. Israel tiếp nhận hàng trăm tu nghiệp sinh Việt Nam mỗi năm, chủ yếu trong mảng nông nghiệp, nhưng số lượng giảm mạnh trong năm nay, với khoảng 180 người.
Đại sứ Lý Đức Trung cho biết trong trường hợp căng thẳng leo thang và xung đột bùng nổ ở phía bắc hoặc tăng nhiệt ở các thành phố lớn như Jerusalem hay Tel Aviv, cộng đồng người Việt tại Israel đã tính đến kịch bản cùng di tản đến một số "an toàn khu". Những khu vực này cách Gaza hoặc biên giới phía bắc 100 km trở lên, giảm nguy cơ bị rocket tập kích.
"Trong tình huống xấu nhất, khi không còn nơi nào an toàn, công dân Việt Nam sẽ được chuyển đến các nước lân cận, trong đó có Jordan. Bất kỳ khi nào có thông tin 'rất xấu và không thể ở lại', Đại sứ quán sẽ phối hợp với cộng đồng để xác định thời điểm, lộ trình di chuyển phù hợp", ông Trung cho biết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Jordan, đề nghị hỗ trợ công dân qua lại biên giới thuận lợi nếu căng thẳng leo thang.
Bộ Ngoại giao ngày 23/10 thông báo xây dựng phương án bảo hộ công dân, thu thập thông tin và nhu cầu sơ tán của cộng đồng ra khỏi lãnh thổ Israel hay về Việt Nam bằng chuyến bay thương mại. Trước đó, Bộ Ngoại giao phát khuyến cáo công dân nên hồi hương hoặc sang nước thứ ba, đồng thời khuyến nghị tránh đến Israel nếu không thật sự cần thiết.
Chị Hồng Shurany, 50 tuổi, thành viên ban liên lạc người Việt tại Israel, cho biết các hội nhóm đã chủ động tập hợp thông tin cộng đồng và phối hợp liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Tel Aviv từ ngày đầu tiên chiến sự bùng phát, ghi nhận những trường hợp có nguyện vọng về nước hoặc sơ tán. Theo chị Hồng, phần lớn sinh viên, tu nghiệp sinh Việt Nam mới đến Israel được vài tuần nên rất sốc về vụ tấn công của Hamas và lo sợ chiến sự kéo dài.
Sau gần 21 năm định cư cùng chồng tại Israel, chị Hồng đã coi đây là quê hương thứ hai và quyết tâm bám trụ, "gian khổ có nhau". Con trai lớn nhà chị, 21 tuổi, đã nhập ngũ khi Israel huy động hơn 300.000 quân dự bị chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn tấn công Hamas.
Chị Hồng chưa từng chứng kiến lệnh gọi nhập ngũ được ban bố nhiều như năm nay. Số lượng quân nhân động viên tăng đột biến nên nhiều người không kịp chuẩn bị đủ hành trang, vật dụng cá nhân cần thiết khi đến đơn vị theo lệnh gọi. Ở các thành phố lớn, người dân đã kêu gọi thành lập các điểm gom đồ dùng, lương khô, sạc điện thoại, pin dự phòng gửi tới đơn vị của những binh sĩ vừa được gọi tòng quân.
"Tôi cũng dọn dẹp nhà cửa, sẵn sàng đón những người mất nhà vào trú ẩn khi chiến sự leo thang. Quê hương thứ hai của tôi đang lâm nguy, mọi người đều phải chung tay góp sức", chị Hồng cho biết.
Thanh Danh - Đức Trung