"Ngay khi Hoàng gia Anh công bố kế hoạch tổ chức lễ đăng quang cho Vua Charles III, tôi đã sắp xếp lịch nghỉ phép để có thể đến London vào đúng ngày 6/5 để chứng kiến tận mắt thời khắc quan trọng trong lịch sử Hoàng gia và vương quốc Anh", Quý Minh, 24 tuổi, vừa hoàn tất chương trình học tại Đại học Glasglow và đang làm việc tại Scotland, nói với VnExpress.
Quý Minh cho biết cô rất quan tâm đến những truyền thống đặc biệt của Hoàng gia Anh. Trong thời gian học tại Anh, cô từng đi xem Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của cố Nữ hoàng Elizabeth II.
Cô đã hòa vào dòng người xếp hàng chờ đợi từ rạng sáng để có vị trí theo dõi tốt nhất, chứng kiến và cảm nhận bầu không khí hào hứng của hàng nghìn người dõi theo đội kỵ binh hoàng gia diễu hành từ Tu viện Westminster đến Điện Buckingham.
Quý Minh nhận thấy lễ đăng quang của Vua Charles III rất được người dân Anh và du khách quan tâm, bởi đây là sự kiện "chỉ có một lần trong đời". Cô cũng đã lên kế hoạch chi tiết từ tháng 3 để đảm bảo chuyến đi đến London được thuận tiện nhất với chi phí phù hợp nhất.
Sau 5 tiếng đi tàu từ Scotland, vừa đặt chân đến London, cô đã thấy rất nhiều người mang theo lều cắm trại đổ về khu vực diễu hành trước Điện Buckingham để chứng kiến buổi lễ.
"Họ bám trụ tại đây để đảm bảo giữ được vị trí gần nhất chứng kiến Vua Charles III chính thức đăng quang", cô nói. Biết rằng khó có thể đến sớm để tranh chỗ tốt những người đã dựng lều từ tuần trước, Quý Minh vẫn cảm thấy hài lòng vì "ít ra cũng được hòa mình vào thời khắc lịch sử của vương quốc Anh".
Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat hồi giữa tuần cho biết sự kiện lễ đăng quang của Vua Charles là thời khắc vô cùng trọng đại của đất nước. Hơn 9.000 cảnh sát tuần tra thủ đô London, bên cạnh 2.500 chuyên gia từ các lĩnh vực khác, như bảo vệ phạm vi gần, xử lý chất nổ hay vũ khí, để đảm bảo sự kiện diễn ra an toàn.
Truyền thông Anh đưa tin chi phí lễ đăng quang có thể lên tới hơn 315 triệu USD, với 60% dành cho hoạt động an ninh.
Trịnh Huỳnh, 30 tuổi, đang làm việc cho một công ty truyền thông ở Manchester, chia sẻ anh khá hào hứng với lễ đăng quang của Vua Charles III, song không thể sắp xếp được thời gian đến London theo dõi trực tiếp. Thay vào đó, Huỳnh chọn xem tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình và mạng xã hội.
"Người dân Anh không chỉ quan tâm đến lễ đăng quang của nhà vua mà còn nhiều hoạt động bên lề khác sẽ được tổ chức trong hai ngày cuối tuần mừng đất nước có tân vương. Anh còn tuyên bố ngày 8/5 là 'Bank Holliday', một ngày nghỉ lễ chính thức cho toàn dân nhân dịp Vua Charles đăng quang", anh cho biết.
Cơ quan chuyên về thúc đẩy du lịch tại Anh Visit Britain ước tính lễ đăng quang của Vua Charles có thể mang về nguồn thu 1,2 tỷ bảng (khoảng 1,5 tỷ USD) cho kinh tế nước này.
Theo kế hoạch được Hoàng gia Anh công bố, sau nghi thức đăng quang truyền thống dành cho tân vương, một buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức ở lâu đài Windsor với sự tham gia của nhiều ngôi sao âm nhạc và nghệ thuật.
Người dân Anh trên toàn quốc còn có thể tham gia các buổi tiệc đường phố, được tổ chức vào khung giờ trưa sau khi nhà vua đăng quang. Văn phòng Thủ tướng Anh sẽ tổ chức một buổi tiệc tương tự ở Phố Downing vào ngày 7/5, với khách mời gồm nhiều tình nguyện viên công tác xã hội tiêu biểu trên cả nước.
"Hoàng gia là sợi dây liên kết tinh thần của các thế hệ người dân Anh. Những sự kiện như lễ đăng quang của nhà vua kế thừa và lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, giúp thế hệ trẻ ở Anh hiểu hơn về cội nguồn văn hóa của đất nước", Quý Minh chia sẻ.
Thanh Danh