"Tôi vô cùng lo lắng khi cháu họ bên chồng mới nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, nhưng bác sĩ yêu cầu cách ly tại nhà", Trần Thị Thu Thuỷ, một người Việt đang sống ở Madrid, Tây Ban Nha, nói với VnExpress.
Người cháu 40 tuổi mà Thuỷ nói đến không sống cùng gia đình cô. Anh xét nghiệm tuần trước nhưng chưa có kết quả nên vẫn đi lại bình thường.
"Bác sĩ nói rằng người nào có triệu chứng nhẹ thì uống thuốc paracetamol hạ sốt và tuân theo hướng dẫn chung. Bệnh viện chỉ dành cho các ca nặng", Thuỷ nói.
Tây Ban Nha từ cuối tuần qua trở thành ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu, sau Italy, với gần 10.000 ca nhiễm và gần 350 người chết. Phu nhân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng dương tính với nCoV.
Từ 14/3 nước này phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày. Tất cả người dân phải ở nhà ngoại trừ ra ngoài mua thực phẩm, thuốc, đi làm, đến bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp. Các hoạt động giải trí đều bị ngừng. Người vi phạm các quy định ngăn Covid-19 có thể bị phạt mức lên đến hàng trăm USD.
Tại Granada, thành phố du lịch nổi tiếng ở miền nam Tây Ban Nha, Nguyễn Trần Trung, cho hay anh khá bất ngờ khi chính phủ áp lệnh phong toả toàn quốc. "Tôi đã không nghĩ dịch bệnh lại trở nên nguy cấp đến thế", Trung nói.
Thuỷ cho rằng lệnh phong toả của chính phủ thể hiện sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Người dân Tây Ban Nha bắt đầu tỏ thái độ "e dè", đứng cách xa nhau ở nơi công cộng nhưng ít sử dụng khẩu trang. Tuy nhiên, lượng người đi tàu điện ngầm vẫn đông như bình thường. Hầu hết mọi người đều ra đường do vẫn phải đi làm.
Để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, Thuỷ đăng ký mua khẩu trang và nước rửa tay khô theo quy định tại các cửa hiệu bán đồ y tế, nhưng vẫn chưa nhận được, dù đã có số thứ tự từ 5 ngày trước.
Cô thấy bất an khi nghe cảnh báo từ một số nhóm về các nhóm cướp giả danh cán bộ của Bộ Y tế Tây Ban Nha đến kiểm tra nhà dân để hành nghề.
Cũng sống ở tâm dịch Madrid, Nguyễn Phương Thảo, cho hay cô cảm thấy rất căng thẳng vì Covid-19 lây lan nhanh. Chính phủ huy động cả lực lượng quân đội chống dịch.
"Cảnh sát và quân đội Tây Ban Nha cùng đi tuần hôm 15/3, dùng loa đề nghị người dân ở trong nhà để ngăn Covid-19", Thảo nói.
Thảo cho rằng số ca nhiễm nCoV ở Tây Ban Nha tăng cao là do người dân có thói quen tập trung đông người, thích đi du lịch và cũng đón nhiều du khách. Bên cạnh đó, mọi người dễ dàng đi lại trong khu vực Schengen và không có lệnh phong toả. Thảo quan sát thấy các ca nhiễm đầu tiên ở Tây Ban Nha là những người đi du lịch từ Italy về, nơi là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục và lớn nhất tại châu Âu.
Vài ngày gần đây, các siêu thị ở Madrid đều trong tình trạng quá tải. Thảo phải xếp hàng chờ đợi lâu nhưng cũng không mua đủ thực phẩm mong muốn. Riêng giấy vệ sinh cô đã mua từ trước.
Thuỷ cho biết Covid-19 còn ảnh hưởng nhiều đến công việc. Tiệm nail của cô vắng khách. Cô dành thời gian trông con nhỏ và giữ vệ sinh nhà cửa, chờ dịch "qua đỉnh".
"Tôi không ra đường để góp phần hạn chế lây lan virus. Lệnh phong toả là nhằm mục đích đó", Thuỷ nói. Cô mong muốn chính phủ Tây Ban Nha sắp tới đóng cửa các văn phòng, cho phép người lao động làm việc từ xa để ngăn dịch.
Thảo, người làm tour du lịch, "thấm thiệt hại" vì liên tục nhận tin khách huỷ chuyến. Gần đây nhất là ba tour đến Việt Nam, trong đó có một đoàn 30 người. "Công việc của tôi bị ảnh hưởng nặng nhưng phải chấp nhận thôi, vì đó là tình hình chung", Thảo nói.
Với Trung, tại khách sạn nơi anh làm việc, hầu như không có khách đến khi Covid-19 lan nhanh. Bình thường, thời điểm này ngành du lịch ở thành phố này đang chuẩn bị bước vào mùa cao điểm. Anh lo lắng kinh tế địa phương "sẽ rơi không phanh".
Du lịch, được coi là nguồn thu chính, từng giúp Tây Ban Nha vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đang chịu thiệt hại lớn do Covid-19. Các bãi biển, trung tâm hút du khách và các hoạt động giải trí ngoài trời đều bị ngưng hoạt động. Hôm 14/3, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tây Ban Nha giảm khoảng 1/3. Thủ tướng Pedro Sanchez đánh giá dịch bệnh sẽ tác động lớn đến kinh tế nước này, khi ông tuyên bố lệnh phong toả toàn quốc.
Từ 11/3, khi các nước châu Âu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo khu vực này "sẽ chứng kiến một kịch bản gợi cho nhiều người nhớ về cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008".
So với một số bạn bè người Việt, Thảo cảm thấy "may mắn hơn vì đang sống cùng nhà chồng". Sinh viên mất việc làm thêm vì nhiều nhà hàng đóng cửa, trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà. Bảo hiểm y tế của họ không bao gồm chi phí cho dịch bệnh. Những người nhập cư chờ làm thẻ cư trú đều bị huỷ hẹn, dù họ phải rất vất vả mới hoàn thành quá trình này. Thảo cho biết người Tây Ban Nha cũng gặp nhiều khó khăn. Những người có hợp đồng dài hạn có thể nghỉ phép có lương, nhưng người làm thời vụ thì bắt buộc ra đường đi làm để trang trải. Nhiều người vừa lo chi tiêu vừa lo trả nợ ngân hàng từ khủng hoảng năm 2008.
"Tôi mong chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động, nhưng có thể họ sẽ ưu tiên cho người bản địa hơn là người nhập cư", Thảo bày tỏ lo ngại.