"Do số người nhiễm rất lớn, giới chức Nga không thể truy vết rồi đưa vào khu cách ly như ở Việt Nam, mà đa số ca F0 tự cách ly ở nhà", Trần Đàm Rạng, 27 tuổi, nghiên cứu sinh ngành khoa học Trái đất, sống tại Nga được 9 năm qua, chia sẻ với VnExpress.
Anh cho biết mình vừa nhiễm nCoV và hồi phục được hơn hai tuần trước, sau thời gian tự cách ly và điều trị trong ký túc xá. Khi có ca F0, ban quản lý ký túc sẽ tổ chức tầng cách ly với tầng. Trong trường hợp nhiều tầng có ca dương tính, cơ quan y tế địa phương sẽ cho cách ly cả tòa nhà, tiến hành xét nghiệm, theo dõi điều trị đến khi không còn người nhiễm thì dỡ cách ly.
Đa số trường hợp không sống tập thể sẽ được cách ly tại nhà riêng, được theo dõi, nhắc nhở hoặc xử phạt nếu tự ý rời khỏi nhà trong thời gian tự cách ly. Do số ca nhiễm quá lớn, việc kiểm tra điều kiện cơ sở tự cách ly cũng không được siết chặt. Rạng cho biết ký túc xá vẫn xảy ra lây nhiễm chéo nhưng "vẫn phải cách ly còn hơn để thả tự do".
Mức phạt đối với cá nhân vi phạm cách ly tại Nga là 15.000-40.000 ruble (hơn 5-13,8 triệu đồng), còn đối với quan chức hay lãnh đạo tổ chức là 50.000-150.000 ruble (khoảng 17-51 triệu đồng). "Trường hợp người vi phạm là nguyên nhân khiến người khác nhiễm bệnh hoặc tử vong thì mức phạt có thể cao hơn nữa", anh cho biết.
Theo Washington Post, biện pháp giám sát và thông báo xử phạt vi phạm cách ly được tích hợp trong ứng dụng truy vết ca nhiễm trên điện thoại tại Nga. Người thuộc diện cách ly tại nhà cần gửi hình ảnh xác minh vị trí qua ứng dụng vào đúng thời điểm yêu cầu, chứng tỏ họ không rời khỏi nhà.
Cách làm này vẫn có nguy cơ gây sai sót do một số trường hợp người nhiễm bệnh nặng, chưa thể trình báo tình hình sức khỏe và trễ hạn cập nhật vị trí với nhân viên y tế.
Vân A., một du học sinh ngành báo chí tại Nga, nhiễm nCoV vào tháng 7/2020, cho biết cô cũng được chính quyền địa phương cấp một điện thoại đặc biệt để theo dõi vị trí và báo cáo sức khỏe hàng ngày. Tại Moskva, vì số ca nhiễm quá nhiều nên người bệnh được chia ra từng cấp độ. Khi gọi điện thông báo triệu chứng, cô phải chờ đợi một thời gian để cơ quan chức năng sắp xếp bác sĩ đến kiểm tra.
Theo cổng thông tin về ứng phó Covid-19 của chính phủ liên bang Nga, hệ thống đường dây nóng toàn quốc để người dân yêu cầu hỗ trợ khi xuất hiện triệu chứng được Cơ quan Giám sát Bảo vệ người tiêu dùng và Phúc lợi Liên bang (Rospotrebnadzor) quản lý. Mỗi địa phương sẽ mở một đường dây nóng riêng về Covid-19 phối hợp cùng cơ quan liên bang.
Khi người gọi xác nhận từng đến nơi bùng phát dịch hoặc tiếp xúc gần với ca F0 trước khi xuất hiện triệu chứng, tổng đài viên sẽ tiến hành các bước cơ bản gồm: lấy thông tin cá nhân của người gọi, yêu cầu họ không rời khỏi nhà và không tự dùng thuốc, hạn chế đến cơ sở y tế nếu không cần thiết, gọi cho cơ quan y tế địa phương hoặc dịch vụ cấp cứu để thu xếp bác sĩ đến nhà thăm khám.
"Tôi ban đầu mất mùi vị nhẹ. Bác sĩ đến tận nơi để xem khám, rồi cho một đơn thuốc tăng sức đề kháng, dặn ăn uống nhiều để khỏe hơn thôi. Ngay hôm sau là tôi được cấp điện thoại. Đến khi bệnh tình nặng hơn, tôi mới được nhập viện. Thời điểm đó bệnh viện cũng đông quá nên tôi phải đợi thuyên chuyển sang bệnh viện dã chiến sau", Vân A. chia sẻ.
Phạm Phương, đã sống và làm việc tại Nga từ năm 2002, chia sẻ trải nghiệm tương tự khi cả nhà 4 người nhiễm nCoV vào tháng 11/2020. Sau thời gian sốt cao, anh chủ động đi chụp phim phổi thì phát hiện tổn thương 10% phổi mỗi bên, được yêu cầu nhập viện trong ba ngày.
Vợ anh Phương ban đầu chỉ tổn thương 5% phổi nên được bác sĩ yêu cầu tự điều trị tại nhà. Chỉ vài ngày sau, mức tổn thương đã tăng lên đến 25% và chị phải nhập viện điều trị trong 14 ngày. Hai người con của anh cũng xét nghiệm dương tính với nCoV nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào.
Moskva là mô hình tiêu biểu cho tầng điều trị đầu tiên của hệ thống y tế Nga đối với bệnh nhân Covid-19. Ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được theo dõi qua điện thoại. Bệnh nhân trong diện tự điều trị Covid-19 tại nhà sẽ nhận toàn bộ thuốc kê đơn miễn phí.
Người tự điều trị Covid-19 lẫn những người cùng nhà phải cài đặt ứng dụng "Giám sát Xã hội" và chụp ảnh xác nhận vị trí nhiều lần trong ngày, ngăn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố cũng xây dựng hệ thống bệnh án điện tử cho người nhiễm để cả bệnh nhân và bác sĩ đánh giá tình hình trên một bảng danh sách các chỉ số sức khỏe hàng ngày cần theo dõi, theo cổng thông tin chính quyền thành phố.
Thủ đô nước Nga buộc phải áp dụng chính sách này để giảm sức ép lên hệ thống y tế. Tính đến ngày 18/7, Moskva đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó có 1,2 triệu người đã hồi phục và hơn 24.000 ca tử vong.
Số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn nước Nga tiếp tục tăng nhanh trong tuần qua, cao nhất tại châu Âu và đã vượt Pháp để trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Brazil.
"Hiện tại mỗi ngày tại Nga phát hiện trên 20.000 ca, nhưng dân chúng vẫn chủ quan lắm. Họ nghĩ đã có thuốc rồi và dịch bệnh chỉ như cúm mùa", anh Phương chia sẻ đầy lo lắng.
Trung Nhân - Thanh Tâm