Cảnh sát Trung Quốc trong hai tuần qua đột kích vào nhiều căn hộ, nhà hàng, chợ tạm trên toàn quốc và bắt gần 700 người vì vi phạm lệnh cấm săn bắt, buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã. Họ cũng thu hồi gần 40.000 động vật hoang dã như sóc, chồn, lợn rừng...
Thực tế này cho thấy thói quen tiêu thụ động vật hoang dã của người Trung Quốc vẫn không biến mất ngay cả khi virus corona, được cho là xuất phát từ các loài thú hoang dã, đang hoành hành ở nước này.
![Rắn được ngâm trong lọ kín ở tỉnh Hồ Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/02/17/2020-02-16T230031Z-798438413-R-5534-5202-1581917172.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v1GQIhsbJniyMKLu91OgOQ)
Rắn được ngâm rượu ở tỉnh Hồ Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
"Tôi muốn tiếp tục buôn bán khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Người dân thích động vật hoang dã. Họ mua để ăn hoặc đem tặng bởi trông nó rất bắt mắt và khiến bạn hãnh diện", Gong Jian, chủ một cửa hàng động vật hoang dã trực tuyến tại khu tự trị Nội Mông, nói.
Gong cho biết anh đang cất thịt cá sấu và nai trong tủ đông, tuy nhiên sẽ phải giết thịt tất cả số chim cút đang nuôi bởi siêu thị không còn nhập trứng cút từ trang trại của anh nữa.
Trước đó, các nhà khoa học nghi ngờ tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền virus corona từ dơi sang người. Các bệnh nhân đầu tiên dương tính với nCoV đều là người mua bán tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi rắn, cầy hương, dơi và các loại động vật hoang dã khác được bày bán tràn lan.
Chính quyền Trung Quốc hồi tháng 1 đã tạm thời đóng cửa những khu chợ tương tự, đồng thời cảnh báo ăn thịt động vật hoang dã là mối nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để thay đổi thói quen vốn đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa Trung Quốc.
"Trong quan điểm của nhiều người, động vật tồn tại là để phục vụ cho con người chứ không phải cùng chung sống trên một hành tinh", Wang Song, một nhà nghiên cứu Động vật học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến cuộc tranh luận về việc sử dụng động vật hoang dã trong chế biến thực phẩm và làm thuốc Đông y sôi nổi trở lại. Điều này từng được đề cập năm 2003, khi dịch SARS lây lan nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của gần 800 người. Các nhà khoa học tin rằng virus gây dịch SARS được truyền từ dơi, thông qua vật chủ trung gian là cầy hương, sang người.
Nhiều học giả, chuyên gia môi trường và người dân Trung Quốc sau đó đã tham gia vào các nhóm bảo tồn quốc tế, kêu gọi ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa vĩnh viễn các khu chợ có mặt hàng này. Phong trào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bạn trẻ.
"Một thói quen xấu của chúng ta chính là dám ăn bất cứ thứ gì. Chúng ta nên dừng tiêu thụ động vật hoang dã. Những ai làm điều này nên bị bỏ tù", một người dùng viết trên mạng xã hội Sina của Trung Quốc.
![Lực lượng chức năng thu giữ thịt động vật hoang dã buôn bán trái phép. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/02/17/2020-02-16T230033Z-1291215645-2942-4803-1581917172.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3twmfz2RDKz0BW77dYsmeg)
Lực lượng chức năng Trung Quốc trong chiến dịch truy quét hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Reuters
Song cho đến nay, một bộ phận người Trung Quốc vẫn ưa chuộng thịt thú hoang vì tin rằng chúng có lợi cho sức khỏe. Thói quen này giúp các khu chợ ở Vũ Hán cũng như dịch vụ bán hàng trực tuyến duy trì hoạt động, phần lớn là bất hợp pháp.
"Từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã cũng giống như việc bạn tuyệt thực chỉ vì sợ bị nghẹn", một người ủng hộ thói quen này lên tiếng trên mạng xã hội Hupu.
Ngay cả sau khi dịch SARS bùng phát, Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh động vật hoang dã, nhưng vẫn cấp phép cho việc buôn bán 54 loài, bao gồm cầy hương, rùa và cá sấu, đồng thời nhân giống các loài có nguy cơ tuyệt chủng như gấu, hổ và tê tê.
Phần lớn các hoạt động kinh doanh động vật hoang dã diễn ra ở vùng nông thôn, dưới sự cho phép của chính quyền làng xã. Các tiểu thương coi đây là đóng góp đối với nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết trang trại hợp pháp đôi khi chỉ là vỏ bọc cho đường dây buôn bán bất hợp pháp lớn hơn, nơi động vật được phối giống để làm thực phẩm hoặc thuốc thay vì trả về thiên nhiên.
Các sản phẩm từ mật gấu đến vảy tê tê vẫn được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp buôn bán động vật hoang dã đạt giá trị 23 tỷ USD mỗi năm, trong đó Trung Quốc đại lục là thị trường lớn nhất.
Thục Linh (Theo Reuters)