Ngày 23/1, Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và là nơi Covid-19 khởi phát cuối năm 2019, bị áp lệnh phong tỏa chưa từng có để ngăn dịch bệnh lan rộng. Từ đó, Phương Phương, nhà văn 65 tuổi đoạt giải văn học uy tín nhất Trung Quốc năm 2010, bắt đầu viết nhật ký trực tuyến về thảm kịch ở quê nhà.
Phương Phương, tên thật là Uông Phương, viết nhật ký "Vũ Hán những ngày phong thành" kể về cuộc sống thường ngày ở Vũ Hán trong những ngày khó khăn đó. Đó là Đông Hồ vắng bóng người, tĩnh lặng và hiu quạnh, là người dân giúp đỡ lẫn nhau hay niềm vui giản đơn khi ánh nắng rọi vào phòng mình. Tuy nhiên, bà cũng đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như bệnh viện quá tải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, tình trạng thiếu khẩu trang, cái chết của những người thân, nỗi sợ hãi, tức giận và hy vọng của người dân đang bị cách ly.
"Một người bạn là bác sĩ nói với tôi rằng 'thực tế, các bác sĩ chúng tôi đều biết dịch bệnh lây nhiễm từ người sang người. Chúng tôi báo cấp trên, nhưng không ai cảnh báo người dân'", nhật ký của bà có đoạn.
Hàng chục triệu độc giả đã đọc những bài đăng của bà và giờ đây, các bài viết sắp được xuất bản ở nước ngoài bằng nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, nữ nhà văn đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích trong nước.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng bà đang tiếp tay cho các nước khác chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý dịch bệnh. Trung Quốc đang đối mặt cáo buộc thiếu minh bạch trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, khiến thế giới đánh mất thời gian quý giá để ứng phó với Covid-19.
"Hay lắm Phương Phương. Bà đang tiếp đạn cho các nước phương Tây nhắm vào Trung Quốc", một người đăng trên mạng xã hội Weibo. "Bà đã cho thấy bản chất phản bội của mình".
Một số người cáo buộc bà Phương "kiếm tiền từ gần 4.000 người đã chết vì Covid-19 ở Vũ Hán". "Bà bán nhật ký với giá bao nhiêu vậy?", một người đặt câu hỏi.
Bị công kích, nữ nhà văn đăng Weibo rằng bà là nạn nhân của "nạn bắt nạt trực tuyến" do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra. Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên phiên bản điện tử của tạp chí Caixin, Phương Phương cho biết bà bị dọa giết và địa chỉ nhà bị tung lên mạng.
Việc nhà xuất bản HarperCollins Mỹ giới thiệu cuốn sách sẽ được bán vào tháng 6 với tựa đề ngắn gọn "Nhật ký Vũ Hán" càng đổ thêm dầu vào lửa.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, gọi việc cuốn nhật ký của bà Phương được xuất bản ở nước ngoài "không thực sự phù hợp" trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối đầu Washington. "Cuối cùng, người phải trả giá cho sự nổi tiếng của bà ấy ở phương Tây chính là người dân Trung Quốc và những độc giả trung thành của bà ấy", Hồ Tích Tiến bình luận trên mạng xã hội và nhận được hơn 190.000 lượt thích.
Global Times cũng đăng bài viết rằng với nhiều người Trung Quốc, cuốn sách "phiến diện và chỉ phơi bày mặt tối ở Vũ Hán".
Các nhà xuất bản ở Trung Quốc quan tâm đến nhật ký của Phương đang do dự trước những chỉ trích nhằm vào tác giả. "Tại sao không xuất bản cuốn sách này? Nếu thực sự đọc nhật ký của tôi, mọi người sẽ nhận ra các biện pháp hiệu quả mà Trung Quốc đã thực hiện để chống dịch bệnh", Phương cho hay.
Phương Phương, người sinh ra trong một gia đình trí thức khá giả, cũng nói rằng sẽ quyên góp "toàn bộ tiền bản quyền" nhận được cho gia đình các nhân viên y tế tuyến đầu đã qua đời.
Người hâm mộ trung thành của Phương Phương cũng lên tiếng ủng hộ bà trên Weibo. "Phương Phương chẳng nợ gì ai", một người viết. "Các người có giỏi thì viết một cuốn nhật ký trái ngược với những gì bà ấy viết, dịch ra và xuất bản ở nước ngoài đi".
Yue Zhongyi, một cư dân Vũ Hán 63 tuổi, cho rằng rất nhiều lời chỉ trích thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa hơn là quan điểm của người dân thành phố.
"Tôi đã hỏi tất cả hàng xóm, bạn bè và họ đều nói rằng họ ủng hộ Phương Phương", ông nói, cho rằng những người chỉ trích Phương Phương đã hiểu sai khái niệm về lòng yêu nước và không phải ai chỉ trích cách chính quyền xử lý dịch bệnh cũng đều là "kẻ phản bội".
He Weiheng, sinh viên đại học 19 tuổi ở Bắc Kinh, quan tâm đến tính xác thực của các bản dịch hơn là cuốn nhật ký của Phương Phương. "Nếu nội dung nhật ký là thật, hoàn toàn hợp lý để viết và xuất bản", nam sinh viên cho hay. "Nhưng nếu nhật ký được dịch mà không đảm bảo tính chính xác, một số người Trung Quốc lo ngại cuốn sách sẽ tác động bất lợi đến hình ảnh và lợi ích quốc gia của chúng ta".
Huyền Lê (AFP, SCMP)