Thời gian gần đây, hẹn gặp người thân, bạn bè, Ngọc Lam (30 tuổi, kế toán tại quận 1, TP HCM) thường chọn quán chay bởi cô muốn lan tỏa lối sống khỏe, lành mạnh. Không phải là người ăn chay trường, song hai năm trở lại đây, cô ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cô thường uống sữa hạt, tăng dùng đạm từ đậu nành và nấm, giảm bớt khẩu phần thịt vì thấy ngon miệng và cảm giác tốt cho sức khỏe.
Tăng cường thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong bữa ăn hàng ngày cũng là lựa chọn gần đây của Thanh Tùng, một Gen Z làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội. Thậm chí cậu còn lên thực đơn, một tuần phải có ít nhất hai ngày chỉ ăn thực phẩm thực vật, dù đang tập gym. Tùng theo đuổi lối sống xanh đã 4 năm, sau khi được truyền cảm hứng từ những hoạt động lan tỏa lối sống lành mạnh trong cộng đồng mà cậu tham gia.
Theo báo cáo của Kantar Singapore, hiện nay trên thế giới, cứ 4 người thì có một người theo chế độ ăn chay linh hoạt (thiên về thực vật). Trong đó nhóm lớn nhất thuộc thế hệ Millennials cấp tiến.
Bà Trezelene Chan, Giám đốc phát triển bền vững tại Kantar Singapore cho biết xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới là sử dụng nhiều hơn các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Trước đây, tỷ lệ người ăn thực phẩm thuần thực vật (thuần chay) chiếm 7% dân số. Hiện nay, mọi người có xu hướng ăn chay linh hoạt (sử dụng nhiều thực vật cùng một ít sản phẩm động vật như trứng, sữa kèm thêm thịt cá nhưng không thường xuyên...).
Ba nhóm tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang gia tăng ở Việt Nam là người trẻ, người thành thị và người có thu nhập khá. Cụ thể, 2/3 Gen Z và Millennials tại Việt Nam đã cố gắng đưa đạm thực vật vào chế độ ăn uống từ 2022. 86% người tiêu dùng thành thị Việt Nam thường xuyên tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế thịt. 72% người tiêu dùng thực vật ở Việt Nam có thu nhập trung bình hoặc cao trong năm 2022.
Nhóm Gen Z và Millennials sẽ là nhóm dân số chính trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong vài năm tới. Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hóa cũng như tăng trưởng kinh tế, nhóm người sống ở thành thị và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, cũng góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng dinh dưỡng thực vật.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, có nhiều lý do để người trẻ thúc đẩy xu hướng sống xanh lành, trong đó tiêu dùng dinh dưỡng thực vật là một giải pháp quan trọng. Đầu tiên là muốn cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, nhất là sau Covid-19. Trong giai đoạn chống dịch, nhóm hạt và đậu giàu đạm chính là một trong những nhóm thực phẩm được các bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo nên bổ sung hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch. Đây cũng là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C, K... - các vitamin có lợi cho làn da cũng như giúp sáng mắt, tăng cường sự minh mẫn của trí não.
Vấn đề sức khỏe cũng chính là lý do khiến Ngọc Lam theo đuổi lối sống xanh, lành. Lam chia sẻ, trước đây cô rất thích ăn thịt. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ ngoài 50 tuổi, người thì mắc bệnh gout, người thì huyết áp cao, bản thân cô cũng thừa cân, thường xuyên nóng trong người. Sau nhiều lần đi khám và được chuyên gia tư vấn cần thay đổi chế độ ăn, cô bắt đầu thay đổi thói quen. Lam đề xuất cả nhà dần thay thực phẩm nguồn gốc động vật sang thực vật. "Kết hợp nhiều phương pháp, ăn uống tập luyện, tôi giảm được 10kg sau một năm. Nhưng quan trọng hơn, từ ngày sử dụng nhiều thực phẩm từ thực vật, tôi cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái hơn", Lam nói.
Ngoài yếu tố sức khỏe, nhiều người trẻ chọn dinh dưỡng thực vật vì mong muốn đóng góp cho môi trường. Khi giảm tiêu dùng dinh dưỡng nguồn gốc động vật, tăng cường dinh dưỡng từ thực vật, người tiêu dùng có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Nếu chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chính gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất của sản xuất nông nghiệp thì đậu nành lại được coi là nhà máy sản xuất đạm tự nhiên cho đất, từ đó góp phần phát triển cây xanh, hấp thụ cacbonic và giải phóng ra khí oxy ra môi trường.
Theo tiến sĩ Lê Hoàng Duy, Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC), hạt đậu nành giàu đạm là nguồn dinh dưỡng tốt cho con người và rễ cây đậu nành với nốt sần có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu của đất. Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, loại cây này có thể tham gia vào một trong các giai đoạn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phụ phẩm tạo đạm cho đất.
"Khi thay thế một phần đạm động vật bằng đạm từ đậu nành, tôi không chỉ cân bằng dinh dưỡng cho bản thân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều lần được báo động và cả thế giới đang hướng đến Net Zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0", Thanh Tùng nói.
Trong khi nhiều người tiêu dùng tích cực hướng đến đến lối sống xanh thì các doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc. Với chương trình "Sữa học đường", Vinasoy đã cung cấp sữa đậu nành miễn phí cho các em học sinh tại nhiều trường tiểu học vùng sâu vùng xa từ năm 2013. Năm nay, chương trình này mang thông điệp "dinh dưỡng cân bằng cho thế hệ mai sau", mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ học sinh thanh thiếu niên ý thức về dinh dưỡng thực vật.
Kim Anh