Mùa đông đang đến rất nhanh ở Gaza. Mưa bão, gió mạnh quét qua dải đất ven biển, tấn công những trại lều tị nạn ở phía nam dải đất và hàng nghìn người không nơi trú ẩn ở những vùng còn lại.
Cái lạnh tràn về khiến tình hình dải đất vốn thảm khốc thêm phần tồi tệ, khi gần như toàn bộ hệ thống y tế Gaza đã sụp đổ. Phụ nữ nơi đây đang phải sinh con trong lều với điều kiện thiếu vệ sinh. Khói từ bếp củi làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp, bệnh nhân phải đi hết hiệu thuốc này đến hiệu thuốc khác để tìm dược phẩm, nhưng thường không có kết quả.
"Trời rất lạnh và căn lều thì quá nhỏ. Tất cả những gì tôi có là bộ quần áo mặc trên người, không biết điều gì sẽ xảy đến", Mahmud Abu Rayan, người di tản đến Rafah, miền nam Gaza, nói.
Nhiều người đã di tản về phía nam trong thời tiết mùa thu ấm bất thường nên chỉ mang theo quần áo mùa hè. Giờ đây, tình trạng thiếu quần áo ấm, chăn nệm khiến họ lao đao. "Chúng tôi phải ngủ dưới cái lạnh khắc nghiệt, không có phòng tắm. Tôi là bệnh nhân ung thư nhưng không có đệm ngủ, phải cùng mọi người ngủ trên cát, lạnh cóng", Qarmoot, một phụ nữ Palestine, nói.
Những người khác cũng kể câu chuyện tương tự. Trong thời tiết lạnh giá, họ phải sống chật chội trong điều kiện thiếu vệ sinh, lương thực và nơi trú ẩn.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia, nhân viên nhân đạo cho hay mối lo lớn nhất là dịch bệnh bùng phát. Theo tổ chức y tế nhân đạo Bác sĩ Không biên giới, điều kiện khắc nghiệt, đông đúc, thiếu nước sạch, ít giặt giũ là công thức hoàn hảo cho bệnh truyền nhiễm, trong khi toàn bộ dịch vụ y tế hiện tại đều tập trung cứu người trong bệnh viện.
"Chúng tôi ghi nhận những đợt bùng dịch rất đáng lo ngại, như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm não và bệnh vàng da mà chúng tôi cho là viêm gan A do môi trường sống đông đúc, không nước sạch và thiếu dịch vụ xử lý chất thải", Margaret Harris, bác sĩ WHO, nói.
Tình trạng thiếu thuốc kháng sinh cũng làm tăng số ca tử vong do nhiễm trùng hậu phẫu, trong khi những người bị bệnh mạn tính không thể tiếp cận thuốc men hay các dịch vụ chăm sóc khác. Nhưng những người tử vong trong hoàn cảnh này không được tính là nạn nhân chiến tranh.
"Mẹ tôi qua đời vào tuần trước vì tiểu đường và cao huyết áp, còn chúng tôi đang sống trong điều kiện tồi tệ, thiếu những thứ thiết yếu nhất", Ramzy, 54 tuổi, người bắc Gaza đến tị nạn trong trại lều của Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ở Rafah, nói.
"Người già không thể chịu được điều này, các bệnh viện không có thời gian điều trị bệnh thông thường khi họ phải tiếp nhận hàng trăm người bị thương, la liệt kín các giường bệnh và sân ngoài", bà Ramzy nói. "Tôi chưa từng nghĩ đến cảnh phải chôn cất người thân ở ngoài mảnh đất quê hương".
Các nhân viên y tế cũng không thể xét nghiệm để xác định bệnh, bởi phòng thí nghiệm nằm ở bệnh viện al-Shifa, nơi đã ngừng hoạt động.
Hanin Wishah, quan chức từ tổ chức nhân đạo quốc tế Action Aid ở miền bắc Gaza vừa chuyển xuống Rafah, mô tả tình hình dải đất thảm khốc "như thời kỳ tiền kháng sinh", bởi nguồn cung thuốc kháng sinh gần như cạn kiệt.
"Viêm gan đang lây lan, hàng nghìn người đang ngủ trên đường phố. Thật điên rồ", cô nói.
Quân đội Israel (IDF) tuyên bố chiến dịch quân sự tại Gaza có thể kéo dài đến cuối tháng 1/2024. "Chúa ơi, mùa đông. Nếu người Gaza không chết vì bom đạn, họ sẽ thiệt mạng trên đường phố. Mùa đông vốn tàn bạo ngay cả khi không mưa bão. Khi mưa rơi, mọi người sẽ chết", Wishah nói.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/12 nói tình hình y tế thảm khốc ở Gaza sẽ "gần như không thể cải thiện", ngay cả khi đề nghị khẩn cấp của WHO nhằm đảm bảo nhiều quyền tiếp cận y tế hơn được thông qua.
Những đoạn tin nhắn liên lạc mà các nhân viên Action Aid gửi tới đồng nghiệp bên ngoài Gaza mô tả rõ tình hình tuyệt vọng.
"Chúng tôi ướt đẫm vì mưa hôm qua. Những chiếc lều này được phủ nylon, chống đỡ rất đơn sơ, không thể chống chọi với mưa gió", Abu, người sống trong lều tại một nhà kho Liên Hợp Quốc, nói.
Abu cũng mắc tiêu chảy và đã khỏi sau vài ngày. "Nhiều người đổ xô mua thuốc cho con cái, nhưng không thành do thiếu thuốc. Đó là một thảm họa vượt ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai".
Rana, nhân viên Action Aid sống trong lều cùng các con, mô tả cơn bão tấn công khu trại vài ngày trước, khiến căn lều "như sắp bay đi", trong khi mỗi người chỉ được phát một chiếc chăn mỏng gần như vô dụng trước giá rét.
"Đó là ác mộng với những người sống trong lều. Tôi và các con lạnh cóng, run rẩy rất nhiều", Rana nói. "Chúng tôi cũng không có đệm hay quần áo mùa đông, phải ngủ dưới mặt đất đầy gai. "Lũ trẻ đều còn nhỏ. Chồng tôi không có ở đây, tôi chỉ có một mình".
Đức Trung (Theo Guardian, Reuters)