Bà Nguyễn Thị Tin (67 tuổi), nhà số 22A, hôm 14/9 bàn với hàng xóm mở lối thoát hiểm thông sang nhau, để "nhỡ làm sao còn có nhiều đường chạy".
Hai hôm sau, thợ tới thi công. Nhà bà có thêm hai cửa thoát hiểm, một thông sang nhà số 22B, một ở trước nhà. Lối cũ lên sân thượng cũng được hàn thêm một thang sắt cố định, bỏ ổ khóa. Bà cũng mua thêm một thanh sắt lớn hơn để làm chỗ móc chắc chắn cho thang dây khi thoát hiểm. "Con dâu tôi đang mua thêm đèn pin và thang dây", bà nói.
Cách đó vài nhà, gia đình bà Vũ Thị Hà (66 tuổi) cũng mở thêm hai lối thoát hiểm, phía trước và thông sang nhà hàng xóm, mua thêm thang dây. Bà quy định treo chìa khóa lối thoát hiểm ở nơi mọi thành viên đều biết. "Trộm cắp cũng lo nhưng không sợ bằng giặc lửa. Mất của còn kiếm lại được, chứ mất người thì hết", bà Hà nói.
Gia đình bà từ lâu rất cảnh giác phòng cháy như ngắt điện khi ra ngoài, không sạc đồ điện ban đêm, không thắp hương ngày rằm, mùng 1 ở tầng bốn nếu trời oi bức. Nhưng từ sau sự cố cháy đêm 12/9 khiến 56 người chết, gia đình 6 người nhà bà Hà đề phòng "giặc lửa" quyết liệt hơn. Mỗi lần mang quần áo lên sân thượng giặt, bà chờ đến khi máy chạy xong để rút điện. Họ cũng tích sẵn một chậu nước, kèm thêm vài chiếc khăn khô, phòng khi có hỏa hoạn mọi người có thể làm ướt để che mũi, miệng. Trước khi rời nhà, bà ngắt cầu giao, chỉ để điện cho tủ lạnh.
Cắt chuồng cọp, mở thêm lối thoát hiểm, mua thiết bị chữa cháy và đồ cứu hộ; quy hoạch điểm đỗ và thời gian sạc xe điện, bỏ bếp gas; tập huấn phòng cháy chữa cháy... đang là những biện pháp hàng đầu của người dân đô thị thực hiện ngay sau vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ.
Khảo sát của VnExpress một loạt các địa điểm tại Hà Nội như quận Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và cả các huyện ngoại thành như Thạch Thất, đều thấy sự chuyển biến của người dân trong ý thức phòng cháy chữa cháy.
Ở một chung cư ở Bắc Từ Liêm, chị Phạm Thị Huyền (34 tuổi) cho biết gần 10 ngày nay, khu của chị vận hành thử hệ thống PCCC liên tục. Mỗi tối chuông báo cháy kêu vài lần. Tất cả xe đạp và xe máy được quy về một khu, cạnh cửa ra hầm xe, nơi thoáng và rộng hơn, có bảo vệ trực 24/24. Ban quản lý tòa nhà cũng ra yêu cầu chỉ được sạc pin xe điện vào ban ngày.
"Có một số người dân phàn nàn phải đi bộ xa đến khu vực riêng này và quy định sạc điện ban ngày bất tiện, nhưng nhà tôi thì ủng hộ", chị Huyền, người có một chiếc xe điện, cho biết.
Gia đình chị Ngọc Quỳnh có 30 phòng trọ ở xã Bình Yên (Thạch Thất) cũng gọi thợ đến thi công, mở cửa thoát hiểm cho tất cả các phòng, thay vì chỉ có một cửa thoát hiểm như trước. Ngoài ra, chị cũng bổ sung thêm bình cứu hỏa và động viên người thuê trọ trang bị thêm các biện pháp phòng chống cháy như nạ phòng độc, thang dây, bình cứu hỏa. "Trong trường hợp cấp bách có thể chủ động thả thang dây để đu xuống, lính cứu hỏa cũng dễ dàng tiếp cận", chị Quỳnh nói.
Chiều 16/9, tại TP HCM, Lê Tâm (29 tuổi) giờ mới để ý đếm số ốc vít trên của khung cửa sổ, nhẩm tính thời gian tháo chúng nhỡ có hỏa hoạn xảy ra trong căn hộ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Căn chung cư mini 25 m2 anh và một đồng nghiệp thuê hơn một năm qua nằm trong tòa nhà 5 tầng. Mỗi tầng có ba phòng sử dụng hành lang chung, tầng trệt làm nơi chứa 20-30 chiếc xe máy. Nếu có hỏa hoạn, cầu thang rộng 0,5 m là lối thoát duy nhất.
Căn hộ không lắp thiết bị hay chuông báo cháy, chỉ có bình cứu hỏa đặt ngoài hành lang tùy tầng. Cửa sổ phòng được thiết kế theo dạng đóng mở nhưng lắp song sắt phía trong để chống trộm. Lúc mới dọn về, Tâm mua vài chậu cây xanh mắc lên trang trí nhưng giờ anh nhận ra đây là nơi thứ hai thoát khỏi tòa nhà trong trường hợp khẩn cấp. "Sợ trộm nên tôi không cắt cửa sổ, mà mua sẵn dụng cụ để tháo ốc vít trong trường hợp có hỏa hoạn", anh nói.
Những người khác trong nhóm chat chung của khu trọ cũng bày tỏ sự lo lắng, bằng việc liên tục chia sẻ về bài báo, video về cách thoát nạn hỏa hoạn, lưu ý về nơi đặt các bình chữa cháy.
Anh Lê Minh Đức, chuyên viên bất động sản tại quận 3, TP HCM, nói tệp khách hàng chính của chung cư mini là dân văn phòng mới đi làm, sinh viên. Trước đây họ chỉ có ba mối quan tâm lớn về giá cả, vị trí và không gian phòng. Tuy nhiên, sau sự cố ở phố Khương Hạ (Hà Nội), khách thuê đang đặc biệt quan tâm đến điều kiện PCCC. "Nhiều người lo lắng nên yêu cầu giới thiệu các khu nhà có hệ thống báo cháy, tưới nước tự động hoặc cầu thang thoát hiểm chữ Z xây ngoài tòa nhà", anh cho hay.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khẳng định người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ là rất cần thiết tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần ghi nhớ và thực hành các biện pháp thoát nạn an toàn.
Chiều 18/9, chủ nhà trọ của Lê Tâm đã mở thêm lối thoát hiểm trên tầng phơi đồ và trang bị thang dây. "Dù muộn nhưng những thiết bị này cũng khiến tôi phần nào yên tâm", chàng trai quê Vũng Tàu nói.
Phan Dương - Ngọc Ngân - Quỳnh Nguyễn