Những năm trước, việc tái đàn là bán gà thịt rồi lấy tiền mua giống. Nhưng nay gà không còn, tiền cũng hết, hai cuốn sổ đỏ trước đó đã cắm ở ngân hàng để làm ăn.
"Chưa biết lấy vốn ở đâu nhưng tôi phải tái đàn để kịp vụ Tết", ông Nguyễn Ngọc Lương, 54 tuổi, ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên nói. Nuôi gà là sinh kế duy nhất của gia đình 5 người này.
18h ngày 9/9, nước lũ bắt đầu tràn vào sân nhà ông Lương. Vợ chồng chạy ra chuồng gà bịt các lỗ hổng, kê cao máy phát, rồi ngồi trên hiên nhà theo dõi.
Gần sáng 10/9, người chồng quay sang bảo vợ "nước chững rồi". Nhưng 30 phút sau, lũ từ đâu tràn vào nhà, ngập ngang bắp đùi, cả gia đình trèo lên gác xép.
Phía ngoài, 13.000 con gà kêu quang quác, đập cánh dữ dội. Ông Lương định bơi ra cứu đàn gà nhưng thấy số lượng quá lớn, biết không thể làm gì đành ngồi nhìn bất lực.
Trong nhà, vợ ông, bà Lại Thị Tươi bịt chặt tai, trốn vào phòng vì không muốn nghe tiếng kêu của đàn gia cầm.
"Mất hết rồi", ông Lương nói. Đàn gà 10 ngày nữa được xuất chuồng, nay chết chồng lên nhau, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ước tính thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng. Niềm hy vọng năm nay trả nợ ngân hàng tan biến.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thương tích và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, từ khoảng 4h ngày 9/9 mực nước sông Cầu lên gần 2,8 m - cao hơn báo động ba 91 cm. Nước lũ tràn vào khu dân cư gây ngập úng 55 phường, xã ở TP Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa. Đến ngày 12/9, Thái Nguyên có hai người chết, thiệt hại về tài sản hơn 608 tỷ đồng, trong đó 61 điểm trường bị ảnh hưởng; gần 300.000 con gia súc, gia cầm bị chết, 795 ha nuôi cá bị ngập...
Cách nhà ông Lương 20 km, tại tổ 7, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên, ông Lê Quý Long, 57 tuổi, mất trắng vườn đào gần 2.000 cây trị giá hơn một tỷ đồng. "20 năm trồng đào, đây là trận lũ lớn nhất tôi từng chứng kiến", ông nói.
Tối 9/9, vợ ông Long dắt theo hai con bò cùng bao tải chứa hơn chục con gà di tản lên nhà văn hóa xã cách đó 500 m. Ông cố nán lại tìm cách bảo vệ vườn đào. Người đàn ông dùng cuốc khơi dòng chảy, nhưng nhận ra càng khơi nước càng dâng cao.
Đến đêm, do ngâm mình quá lâu trong nước lạnh, ông Long thấy đầu óc choáng váng. Định lên mái nhà ngồi nhưng mưa lớn, ông lại trèo xuống nhưng nhất quyết không rời nhà. Khi nước dâng cao gần 2 mét, ông đành buông xuôi, nhờ thuyền cứu hộ đưa đến nhà văn hóa nơi vợ con đang tá túc.
Chiều 11/9, khi nước rút dần, ông Long lội về nhà, đứng lặng im nhìn vườn đào chỉ còn là những cái xác chết khô. Một số cây tại vị trí cao lá cũng rũ dần. "Hy vọng duy nhất là một số cây có thể giữ được gốc để làm giống cho vụ sau", ông nói.
Mấy ngày nay, ông Lương cùng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè đã dọn sạch 2.000 m2 chuồng trại. Chính quyền cũng quan tâm, đang đề xuất để vợ chồng ông được vay vốn lãi suất thấp để tái phục hồi sản xuất. Ông dự tính vài ngày tới sẽ sửa lại máy móc, hệ thống điện, tu sửa lại chuồng cao ráo và kiên cố hơn, sẵn sàng bắt đầu hành trình mới.
Đứng trước trang trại trống trơn, dù chưa hết xót của nhưng ông nói tổn thất của gia đình "còn đỡ hơn bà con các tỉnh bị lũ quét, sạt lở đất, mất nhà, mất người". "Tôi vẫn thấy may mắn vì gia đình còn khỏe mạnh bên nhau", chủ trại gà nói.
Từ 15/9, chị Thùy Dung, 30 tuổi, thông báo sửa chữa miễn phí máy móc điện tử cho bà con vùng ngập lụt. Nhà chị ở ở phường Đồng Bẩm - một trong những nơi ngập sâu nhất TP Thái Nguyên - nên nước lũ cũng gây thiệt hại không nhỏ với kho hàng điện tử của gia đình.
"Giông bão đã qua đi, dù tổn thất nặng nề thế nào thì ai cũng phải cố gắng bước tiếp", chị Dung nói.
Thanh Nga - Hải Hiền
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.