Các trường hợp nghi ngờ bao gồm người bị sốt và viêm phổi gồm viêm phổi kẽ, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) không rõ nguyên nhân, đồng thời sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do nCoV trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.
Những người tiếp xúc với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ, người bị sốt hoặc có các triệu chứng của bệnh đường hô hấp trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với người hoặc vật nuôi bị bệnh, cũng nằm trong diện nghi ngờ nhiễm nCoV.
Các trường hợp nằm trong diện có thể mắc bệnh gồm nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, người sống chung hoặc đến thăm người bệnh, người mắc bệnh phổi nhưng không lý giải được nguyên nhân, chưa thể xét nghiệm.
Những người này đều bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, thậm chí cưỡng chế cách ly y tế, theo công văn mới của Bộ Y tế ngày 6/2 về thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến dịch nCoV.
Nếu nhóm người bị cách ly mắc các bệnh khác hoặc đang điều trị bệnh sau đó phải cách ly và đã mua bảo hiểm y tế, sẽ được thanh toán theo quy định. Trường hợp người bệnh không mua bảo hiểm phải tự thanh toán theo chi phí điều trị các bệnh lý không liên quan tới virus corona.
Các trường hợp tự đi khám bệnh nhưng không được chỉ định cách ly, vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.
Tính đến hết ngày 7/2, Việt Nam có 13 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 người được chữa khỏi. Hiện có 90 người được cách ly y tế. Hàng trăm người trở về từ Trung Quốc - nơi cả 31 tỉnh thành đều có dịch - được đưa vào các cơ sở cách ly gần biên giới hoặc trong các tỉnh thành. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh được yêu cầu cách ly tại nhà.
Bộ Y tế hôm nay ra mắt ứng dụng điện thoại và máy tính bảng, qua đó người dùng có thể tự kiểm tra nguy cơ lây bệnh, đăng ký với cơ sở y tế gần nhất để nhận được tư vấn và hướng dẫn phòng chống nCoV phù hợp.
Chi Lê