Mấy chục năm sống trên phố Bảo Linh (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) anh Tùng chưa bao giờ thấy nước tràn vào nhà. Sáng sớm nước mấp mé mặt đường nhưng "ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy gần đến đầu gối". Hôm trước, vợ chồng anh đã trắng đêm kê đồ đạc lên gần chạm trần phòng khách. Tùng vẫn nghĩ việc này "hơi lo xa".
"Cứ đà này chừng một tiếng nữa là ngập đến ngang bụng", anh Tùng nói với vợ trước khi ôm quần áo đến ở nhờ nhà người thân ở ngõ 29 phố Phúc Tân.
Đưa vợ con đi sơ tán xong, anh quay về nhà định chạy thêm ít đồ đạc nhưng nước đã ngang bụng. Anh tính khoảng giữa trưa sẽ ngập qua cổ. "Vậy là công sức kê đồ thành công cốc", Tùng nói.
Nhưng đến 13h, nước lụt cũng "đuổi" đến ngõ 29 Phúc Tân. Con ngõ dài 500 m ngập hoàn toàn, nhiều chỗ sâu 60-70 cm. Điện bị cắt, mất nước, tất cả tìm chỗ sơ tán một lần nữa.
"'Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", người đàn ông 35 tuổi nói.
Trưa 11/9, chị Ngọc Hà, 35 tuổi, bỏ làm chạy về nhà khi nghe tin nơi mình ở đang sơ tán bị ngập. Lúc này nước đã lên ngang thân. Thấy mẹ và con gái đang ở trên tầng hai, chị mới thở phào.
Một ngày trước, cả gia đình Hà di tản từ khu trọ ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình) sang nhà em gái ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Bây giờ chị mới thấy quyết định của mình sáng suốt. "Từ cầu Long Biên nhìn xuống, khu trọ đã ngập qua nóc, không thấy nhà đâu, chỉ mênh mông nước", chị Hà cho biết.
Những ngày tá túc ở nhà em gái, chị Hà nói an tâm hơn. Tầng một căn nhà giờ để trống vì nước ngập đến bụng. Tầng hai vẫn đủ cho hai gia đình sinh hoạt. Họ không lo đói vì có thể lội nước ra mua thực phẩm ở đầu ngõ hoặc nhờ thuyền nhỏ chở ra.
Anh Nguyễn Trường Giang, 44 tuổi, nói lần đầu thấy phố Phúc Tân bị nước dâng nhanh như thế này. Đêm qua anh cùng vợ và bốn con vận chuyển đồ đạc lên tầng hai. Bàn ghế, tủ lạnh được xếp chồng lên nhau, kê cao sát trần. Chiếc xe đạp điện được giữ lại, đặt giữa phòng khách, tận dụng nguồn điện ắc quy để thắp sáng.
Anh Giang đã tôn nền nhà cao hơn mặt đường 40 cm. Nhưng nay nước sông dâng cao, tràn ngập ngang đầu gối. Để ngăn rác thải từ các nơi trôi vào, anh dùng tấm nhựa chắn ngang cửa.
"Cũng may chỉ tầng một bị ngập, các tầng khác vẫn bình thường, đồ ăn dự trữ đủ nên không quá lo lắng", người đàn ông nói.
Ghi nhận của VnExpress từ trưa 11/9, hầu hết các phường Phúc Tân, Phúc Xá đoạn sát sông Hồng đều ngập sâu, nhiều khu vực ngập gần một mét kèm theo tình trạng mất điện, nước. Các hộ dân xây nhà kiên cố, cao tầng vẫn có không gian sinh hoạt. Nhưng các gia đình ở trọ, nhà cấp bốn phải chở đồ đạc, đưa người già, trẻ nhỏ đến nhà người thân, thuê nhà nghỉ hoặc về quê để tránh lũ.
15h, vợ chồng chị Mai Nga địu con gái 9 tháng tuổi đến nhà người người thân ở quận Cầu Giấy ở nhờ. Nước đã tràn vào nhà từ 9h sáng. Nghĩ nước sẽ rút nhanh như các trận mưa khác nên chị vẫn cố chờ. Nhưng chị càng chờ nước càng dâng cao kèm mất điện, mất nước trong khi con đang sốt cao. Chị đội mưa bế con đi sơ tán. Tư trang mang theo chỉ có làn quần áo của con, bỉm, sữa và vài giấy tờ cá nhân.
"Hơn 20 năm rồi tôi mới thấy nước dâng cao và nhanh đến vậy", chị Nga nói.
Đến 17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng ở Long Biên là 11,22 m, dưới báo động ba 0,28 m, người dân nhiều khu vực ngoại thành và ngoài đê nội thành Hà Nội đã phải sơ tán.
Trong cuộc họp với UBND phường Chương Dương và Phúc Tân, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, yêu cầu di dời khoảng 130 hộ với gần 500 nhân khẩu trong khu vực báo động 1. Những người này được chuyển đến chung cư The One. Chợ Hàng Bè và một số địa điểm khác được dọn dẹp để dự phòng đón dân.
Ông Mai Văn Khiêm và ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn, khẳng định dù nước lũ có lên báo động ba (mức cao nhất) vẫn không thể gây ngập nội thành Hà Nội, do có hệ thống đê sông Hồng.
Nguyễn Nga - Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.