Bà Mỹ, 71 tuổi, nhà ở cuối ngõ 76 đường An Dương. Trưa 11/9, căn nhà cấp bốn của gia đình bị nước lũ nhấn chìm. Vợ chồng bà xách túi quần áo nhập vào đoàn người chạy đến nhà văn hóa phường Yên Phụ trú ẩn.
Những người chạy lũ được đón tiếp rất chu đáo. Chính quyền phường trợ cấp nhu yếu phẩm, người dân quanh vùng cũng chung tay tiếp tế. "Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào, chẳng biết vợ chồng tôi trôi dạt về đâu bởi nhà đã ngập, tiền bạc cũng không còn", bà Mỹ nói.
Sáng 7/9, vợ chồng bà đã chuyển tài sản giá trị nhất là chiếc xe máy lên đầu ngõ gửi. Quần áo, đồ điện tử được chuyển lên gác xép. Hơn 10 năm sống sát bãi bồi sông Hồng, bà Mỹ nhiều lần bị nước tràn vào nhà nhưng chưa khi nào ngập qua nóc như năm nay.
Trưa 11/9, chị Hồ Thị Thúy Minh cùng chồng và hai con (15 tuổi và 3 tháng tuổi) tìm đến nhà văn hóa phường Yên Phụ xin tá túc bởi nhà họ ở ngách 43 ngõ 76 An Dương đã ngập sâu.
Từ 6h sáng, vợ chồng chị đã thu dọn đồ đi sơ tán khi thấy dấu hiệu nước sông dâng cao. Sau 30 phút chất đồ lên chiếc xe ba bánh, người chồng bế con gái sơ sinh ngồi sau, còn chị nổ máy, phóng ra khỏi nhà. Lúc này nước đã ngập ngang bánh xe.
Thoát ra được dòng nước lũ, Thúy Minh chở cả gia đình đến điểm lánh nạn. Tại đây, biết chị đang nuôi con nhỏ, kinh tế khó khăn, cán bộ phường cùng bà con đã mua tặng sữa, bỉm, quần áo, đủ cho cả gia đình sử dụng trong một tuần.
"Nước lên quá nhanh, tôi chỉ kịp vơ vội một số đồ dùng cơ bản. May có bà con giúp đỡ, quyên tặng, ba mẹ con mới có giấc ngủ yên", chị Minh nói.
Sau một đêm tại nhà văn hóa phường Yên Phụ, gia đình bà Mỹ, chị Minh cùng 29 người khác được chuyển đến Trung tâm Văn hóa quận Tây Hồ bởi phường Yên Phụ mất điện. Chưa đầy một tiếng đến nơi ở mới, nhiều tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã gửi bánh chưng, chăn, chiếu, quạt cho đến đồ ăn, bỉm sữa để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho mọi người.
Bà Nghiêm Thị Huyền, Phó chủ tịch phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết ngày 10/9, chính quyền đã lên phương án di dời 500 người dân sống trong vùng có thể ngập lụt. Ngoài những cá nhân có khả năng ở nhờ nhà người thân, phường đón 31 người dân tới nhà văn hóa ngủ lại và tiếp tế đồ ăn trước khi đưa đến Trung tâm văn hóa quận Tây Hồ.
Hai ngày nay, chị Phạm Thị Là, 46 tuổi cùng con gái 6 tuổi nói an tâm khi đến nơi tránh trú an toàn. Không chỉ được các y bác sĩ kiểm tra sức khỏe, chuẩn bị đầy đủ chăn, gối, chị Hà nói xúc động với sự chăm sóc của người dân trong phường.
"Ở đây chúng tôi được chăm sóc tận tình, cơm ngày ba bữa, đồ ăn, bánh, sữa cho trẻ luôn có sẵn", chị Là nói.
Nhiều gia đình ở các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình đã cung cấp chỗ ở miễn phí cho người dân chạy lụt.
Từ sáng 11/9 đến nay, chị Phạm Thị Nhật ở đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ đã đón đón 123 người dân, trong đó có 46 trẻ nhỏ và bốn người già về nhà mình. Toàn bộ chăn chiếu, quần áo và đồ ăn chị chuẩn bị sẵn, đảm bảo bà con có cuộc sống tốt nhất.
"Nhà rộng, sẵn đồ ăn nên tôi đón mọi người về, trẻ nhỏ cũng có chỗ ở an toàn, việc học tập không bị gián đoạn", chị Nhật nói.
Đến nhà chị Nhật ở ngày thứ hai, chị Nguyễn Nga, 40 tuổi, nhà ở bãi giữa sông Hồng, nói nhờ những người tốt như gia chủ nên thấy ấm lòng, yên tâm chờ lũ rút.
Lúc 7h sáng nay, mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 11,2 m, dưới báo động ba 30 cm. Trong một giờ qua mực nước đã giảm 4 cm. Cơ quan khí tượng dự báo hôm nay lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm trên báo động hai và dưới báo động ba, sau đó xuống tiếp còn ở mức báo động hai.
Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.