Naji Jamal, nhân viên y tế 34 tuổi làm việc tại trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc Dải Gaza, đang băn khoăn trước lệnh sơ tán từ quân đội Israel rằng tất cả người Palestine trong khu vực nên di chuyển về phía nam, nơi chắc chắn họ sẽ sống trong cảnh vô gia cư. Nhưng nếu chọn ở lại, Jamal sẽ phải sống trong khu vực đã được quân đội Israel xác định là mục tiêu tấn công của một chiến dịch quân sự lớn.
"Đó là câu hỏi mang tính sống còn nhưng không có câu trả lời. Ở đây không có nơi trú ẩn an toàn, nơi nào cũng bị pháo kích, không có nơi để đi", Jamal nói.
Theo lệnh sơ tán được quân đội Israel ban hành hôm 13/10, Jamal và 1,1 triệu dân Palestine ở miền bắc Dải Gaza chỉ có khoảng 24 giờ để đưa ra quyết định đi hay ở.
Gần tới hạn chót sơ tán, hàng trăm nghìn quân dự bị Israel đã tập trung gần biên giới phía bắc Dải Gaza. Chiến đấu cơ Israel gầm rú trên bầu trời, bổ nhào ném bom xuống mục tiêu. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Israel xem xét lại lệnh sơ tán này và Tel Aviv cũng đã thừa nhận 24 giờ là không đủ để người dân Gaza sơ tán. Nhưng điều đó không đồng nghĩa chiến dịch tấn công sẽ không xảy ra.
Tại các bệnh viện, y bác sĩ Palestine nói rằng họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại. Mohammad Abu Selim, giám đốc bệnh viện Shifa lớn nhất Dải Gaza, cho biết không có cách nào để sơ tán bệnh viện.
Bệnh viện Shifa đang trong cảnh hỗn loạn khi thiếu điện, quá tải bệnh nhân, nhà xác không còn đủ chỗ chứa, nhưng không còn nơi nào an toàn khác ở Dải Gaza để sơ tán 600 bệnh nhân, trong đó có nhiều người nguy kịch.
"Yêu cầu chúng tôi sơ tán là điều nực cười. Đó là điều không thể", Abu Selim nói.
Hàng trăm nghìn người Palestine trong khu vực cũng đang đấu tranh với lựa chọn đi hay ở, trong bối cảnh các cuộc không kích từ Israel ngày càng gia tăng. Quân đội Israel tuyên bố chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hamas, không tấn công dân thường, song ở khu vực có mật độ dân số cao như Gaza, thiệt hại với người dân là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều người đã chạy trốn về phía nam, cố nhồi nhét trên những chiếc ôtô của người thân hoặc lê bước qua những con phố ngổn ngang, đổ nát, bất chấp bom đạn đang trút xuống quanh họ. Dòng người sơ tán hỗn loạn có cả xe đầu kéo, xe ngựa và lừa kéo dài khoảng 30 km trên dải đất, khiến đoạn đường thường mất 45 phút di chuyển giờ đây thành hành trình gian khổ, thậm chí là chết chóc, kéo dài tới hai tiếng.
Lực lượng Hamas cho rằng các cuộc không kích của Israel nhằm vào đoàn phương tiện sơ tán đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.
"Tôi không tin tưởng họ. Nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để gia đình an toàn", Ali Abdul Bari, cư dân 37 tuổi ở thành phố Gaza, nói về quân đội Israel.
Nhà của Bari ở phía tây bắc thành phố Gaza đã bị san phẳng sau cuộc không kích đêm 12/10. Thẫn thờ và mệt mỏi vì nhiều đêm mất ngủ, anh quyết định sơ tán tới Khan Younis, thành phố phía nam Dải Gaza, nhưng không thể chở tất cả thành viên gia đình trên xe.
Bari đã hứa với chú, dì rằng sẽ quay lại đón họ vào ngày 14/10. "Tôi có trách nhiệm với bố mẹ và các anh chị em của mình", Bari nói.
Khi được hỏi dân thường sơ tán an toàn bằng cách nào trong khi các cuộc bắn phá dữ dội vẫn không dừng lại, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari nói "sẽ cố gắng đảm bảo an toàn" cho những người rời đi, nhưng không nêu biện pháp cụ thể.
Bất chấp nguy hiểm, một số người Palestine vẫn cố thủ ở nhà, không sơ tán theo lệnh của Israel. Khi nhìn đoàn xe đi qua, họ nhớ lại làn sóng những người tị nạn Palestine trước kia đã rời đi để né tránh các cuộc chiến tranh và không bao giờ có thể trở về nhà.
Một số người nhắc lại sự kiện Nakba, "thảm họa" di cư năm 1948, khi khoảng 700.000 người Palestine bị đuổi khỏi nhà ở những khu vực ngày nay thuộc Israel. Các thủ lĩnh Hamas ở Dải Gaza cũng kêu gọi người dân không sơ tán, cáo buộc Israel tạo ra "cuộc chiến tâm lý" nhằm phá vỡ sự đoàn kết trên dải đất.
"Sự kiện này như Nakba vậy, nỗi đau lại lần nữa xảy ra. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa", Yasser Hasouneh, cư dân ở thành phố Gaza, nói.
Nhân viên y tế Jamal không có ôtô để rời đi. Nghĩ tới cảnh đem theo con trai sơ sinh, người mẹ ốm yếu và 30 thành viên gia đình khác lên xe ngựa băng qua vùng chiến sự khiến anh rùng mình. Jamal nói anh đã lựa chọn chấp nhận bất cứ điều gì Thượng đế an bài.
"Chúng tôi sẽ ở bên nhau và đọc kinh cầu nguyện", Jamal nói.
Nhiều người dân Palestine chậm lên đường sơ tán vì không nhận được thông tin kịp thời, do Internet ở Dải Gaza phần lớn đã không hoạt động.
Tại thành phố Gaza, Saeb al-Jarz, kỹ sư 27 tuổi, vẫn đợi tin tức từ bố sau khi ông bị thương trong cuộc không kích cuối hôm 12/10. Ba người hàng xóm của al-Jarz đã thiệt mạng và ngôi nhà của anh cũng bị phá hủy.
Trong lúc vẫn bàng hoàng vì những chuyện xảy ra, al-Jarz nghe tin về lệnh sơ tán từ một phóng viên. Anh hoảng loạn, cố gắng nghĩ cách đảm bảo an toàn cho 25 người thân.
"Có lẽ chúng tôi sẽ ở lại vì nếu có chết, chúng tôi sẽ chết cùng nhau", al-Jarz nói. Rồi giọng anh lại run lên: "Nhưng tôi thật sự muốn sống".
Ngọc Ánh (Theo AP)