Đúng 19h ngày 8/9, khi nước dâng ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang), nhóm thiện nguyện gồm 8 xe tải và 10 người của anh Thắng bắt đầu lên đường.
"Nhưng nước lên nhanh đến mức xe không thể vào được", anh Thắng, 32 tuổi, ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam nói. Nhóm dừng lại ở khu vực thị trấn Lục Nam giúp bà con di chuyển đồ đạc. Họ liên tục đăng tin và số điện thoại của các thành viên trong nhóm lên mạng xã hội nhưng ít người biết. Ngay trong đêm 8/9, các thành viên đến từng nhà, thấy ai đang kê cao đồ thì vào giúp. Nhà nào ở vùng thấp, nhóm chuyển đồ đạc lên xe tải chở đến trú tạm ở nơi cao ráo hơn.
Hiện tại, đoàn xe đang ở khu vực Huyền Sơn, huyện Lục Nam nơi nước lũ dâng gần ngập bánh xe. Anh Thắng kêu gọi người dân hỗ trợ thêm thuyền nhỏ để đưa người già, trẻ em, lương thực và đồ đạc ra ngoài. "Nước sẽ dâng cao nữa nên cần nhanh tay. Khả năng chiều nay chúng tôi mượn thêm thuyền chở nước cho dân", anh Thắng nói, trưa 9/9.
Tại Yên Bái, anh Đỗ Văn Ngọc, 36 tuổi, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, TP Yên Bái cùng vợ và chiếc xe tải 3,5 tấn của gia đình chuyển đồ xuyên đêm cho người dân, 4h sáng 9/9 mới về. "Nước lên nhanh, nếu không kịp di tản chỉ 15-20 phút nữa là không cứu được", anh Ngọc kể.
Sau gần hai ngày, vợ chồng anh Ngọc nhận hơn 20 cuộc gọi cứu hộ. Các trường hợp liên hệ đa phần ở trong nhà cấp bốn, gần sông, khu vực dễ bị sạt lở hoặc nước dâng cao.
Anh Nguyễn Văn Luân, 32 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Yên Bái là một trong những gia đình được vợ chồng anh Ngọc hỗ trợ đêm 8/9. Anh kể khoảng 23h thấy nước lũ mấp mé cửa nhà trong khi gia đình có nhiều hàng hóa nên gọi điện thoại cho anh Ngọc cầu cứu. "Tôi không nghĩ trong đêm mưa lũ vẫn có người sẵn sàng đến cứu giúp", anh Luân nói.
Do ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi, các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, homestay ở các địa phương này đã mở cửa đón người dân đến ở miễn phí hoặc tặng suất ăn cho cán bộ làm công tác ứng phó bão lũ.
Ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, anh Văn Giang, 31 tuổi, ở thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng đã dành nhà mình làm chỗ ở tạm thời cho vài chục người dân bị ngập lụt.
Từ tối 8/9, khi nghe tin khu vực ở cách nhà 3 km bị ngập nặng, người dân cầu cứu, anh cùng gia đình đã kêu gọi mọi người tới nhà mình tránh lũ. Hiện tại xã Đại Đồng mất điện, mất sóng điện thoại, người dân không liên lạc được với nhau, một số cố thủ trong nhà. Anh và gia đình đã đón được một số bà con tới trú ẩn.
Đang du học ở Trung Quốc, Lê Khánh Linh, 18 tuổi, đã gọi điện về nhà xin bố mẹ dành 10 phòng trống còn lại cùng 3 hội trường lớn của nhà khách Trường Sơn - 129 Đường Yên Ninh, TP Yên Bái làm nơi trú ẩn cho những gia đình bị ngập lụt, hư hại nhà cửa. Nhà khách này gia đình Linh kinh doanh nhiều năm nay, có đầy đủ điện nước cũng như máy phát điện.
1h sáng 8/9, Linh nhận được điện thoại kêu cứu của một phụ nữ tên Hương sống gần ga Yên Bái. Nhà của chị đã ngập quá nửa tầng hai. Lũ lên nhanh, không kịp di tản nên gia đình 4 người gồm vợ chồng và bố mẹ già cố thủ ở tầng trên cùng trong tình trạng mất điện và điện thoại sắp hết pin.
Khánh Linh đã gọi điện xin hỗ trợ từ chính quyền phường Yên Ninh nơi gia đình chị Hương sinh sống. Trong đêm, một chiếc cano đã được huy động để đưa cả 4 người đến nhà khách Trường Sơn an toàn. Cùng với gia đình chị Hương, 5 gia đình khác trong thành phố cũng được sơ tán đến trong đêm 7/9. Theo Khánh Linh, ngoài 6 gia đình xin tá túc đêm qua, trưa 9/9, nhà khách Trường Sơn tiếp nhập thêm ba gia đình với 11 người.
"Em làm việc này bởi năm 2008 khi trận lũ lịch sử ập đến cuốn trôi mất nhà, gia đình em đã được nhiều người giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Nay em muốn trả một phần nợ ân tình với bà con", Linh nói.
Nguyễn Nga - Quỳnh Hiền
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.