Tại phía nam Dải Gaza, hàng chục người hôm 15/10 xếp hàng dài tại các phòng tắm, nhiều người trong số họ đã không tắm trong nhiều ngày. Ahmed Hamid, 43 tuổi, đã trốn khỏi thành phố Gaza cùng vợ và 7 con, hướng tới thành phố Rafah sau khi quân đội Israel hôm 13/10 cảnh báo người dân ở phía bắc vùng đất này hãy di chuyển về phía nam "vì an toàn của chính họ".
"Chúng tôi đã không tắm trong nhiều ngày. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đến lượt", Hamid nói. "Không có thức ăn. Tất cả hàng hóa đều thiếu và giá cả những thứ sẵn có đều tăng cao. Thực phẩm duy nhất chúng tôi tìm thấy là cá ngừ đóng hộp và pho mát".
"Tôi cảm thấy mình như một gánh nặng, không thể làm gì được", ông cho biết thêm.
Liên Hợp Quốc ước tính khoảng một triệu người đã phải di dời kể từ khi Israel bắt đầu không kích Gaza sau cuộc tấn công của Hamas. Israel cũng cắt toàn bộ nguồn cung cấp nước, điện và thực phẩm cho vùng ven biển đông dân cư này trước khi nối lại nguồn nước cho khu vực phía nam vào hôm qua.
Mona Abdel Hamid, 55 tuổi, rời nhà ở thành phố Gaza để đến nhà người thân ở Rafah. Nhưng thay vào đó, bà đang ở nhà của những người không quen biết.
"Tôi cảm thấy nhục nhã và xấu hổ. Tôi đang tìm nơi ẩn náu. Chúng tôi không có nhiều quần áo và hầu hết đều bẩn, không có nước để giặt", bà nói. "Không điện, không nước, không Internet. Tôi cảm thấy như mình đang mất đi quyền con người".
Kể từ hôm 13/10, Sabah Masbah, 50 tuổi, đã sống cùng chồng, con gái và 21 người thân khác tại nhà một người bạn ở Rafah. "Điều tồi tệ và nguy hiểm nhất là chúng tôi không tìm được nước. Không ai trong chúng tôi tắm lúc này vì nước quá khan hiếm", bà cho hay.
Tại nhà riêng ở Khan Yunis, gần một trường học do Cơ quan Liên Hợp Quốc Cứu trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành, Esam, 23 tuổi, cho biết họ đã đón những vị khách phải di dời khỏi thành phố Gaza, khu Al-Rimal và Tal al-Hawa.
Nhưng "nước là một vấn đề lớn", anh nhấn mạnh. "Ngày nào chúng tôi cũng phải nghĩ cách kiếm nước... Nếu chọn tắm thì không uống".
Dải Gaza là một trong những vùng có mật độ dân cư đông nhất thế giới với 2,3 triệu dân Palestine sinh sống trên diện tích khoảng 365 km2. Khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tiếp tế từ bên ngoài qua lãnh thổ Israel.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo cuộc sơ tán của người dân ở Gaza "có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo". "Di chuyển hơn một triệu người qua vùng chiến sự đông dân tới nơi không có thức ăn, nước uống và chỗ ở trong bối cảnh toàn bộ khu vực bị phong tỏa là điều cực kỳ nguy hiểm và một số trường hợp là bất khả thi", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)