Thông tin được Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói trong cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và tỉnh Yên Bái trưa 12/9.
Hồ thủy điện Thác Bà xây dựng năm 1971, trên sông Chảy, thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình của Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 180 km. Đây là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam,
Trước đó mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước hồ dâng cao. Sáng 11/9, mực nước tại hồ là 59,84 m, vượt mức cảnh báo cấp hai. Trước tình hình này, trong 6 tiếng tỉnh Yên Bái đã di dời 11.000 người khỏi khu vực hạ lưu hồ - nơi nguy cơ ngập úng khi vỡ đập.
Thủ tướng hai lần gửi công điện yêu cầu tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái "tìm mọi biện pháp kiểm soát nước lũ từ thượng nguồn chảy về hồ Thác Bà". TP Hà Nội và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái "chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà".
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại cuộc họp với Thủ tướng, lúc 15h hôm nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà là 59,33 m - cao hơn mực nước dâng bình thường 1,33 m và cao hơn mực nước chết 13,33 m. Tuy nhiên, lượng nước đến hồ là 2.152 m3/s, còn lượng xả của ba cửa đạt 3.094 m3/s, nhiều hơn 942 m3/s. Mực nước thượng lưu hồ giảm so với hôm qua và lưu lượng xả nhiều hơn lưu lượng nước đến hồ nên mực nước sẽ giảm.
Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Yên Bái và các lực lượng, người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo, triển khai các biện pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà. Vì vậy, đến nay phương án cho tình huống xấu nhất tại hồ không phải sử dụng.
Trung ương hỗ trợ Yên Bái 50 tỷ đồng trong hôm nay
Tại cuộc họp, Thủ tướng gửi lời chia buồn đến những gia đình, địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do mưa bão, lũ lụt gây ra. Ông nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", mục tiêu "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, chăm lo người ốm, tiếp tế nơi bị chia cắt, thực hiện chu đáo chính sách với người thiệt mạng.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương đưa người đi sơ tán trở về nhà khi an toàn và lo nơi ở mới cho những người bị mất nhà; dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước sạch, quần áo, thuốc cho người dân. Bộ Giao thông Vận tải khôi phục các tuyến quốc lộ lớn. Bộ Y tế lo vệ sinh môi trường, cung cấp sinh phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng địa phương sửa chữa trường học, không để học sinh thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Lực lượng quân đội, công an có thể điều động thêm người từ nơi khác tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ Yên Bái. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giãn, hoàn, khoanh nợ, đảo nợ, hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cho người dân vay để khôi phục sản xuất kinh doanh. "Ngành bảo hiểm phải chi trả nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Ngành tài chính nghiên cứu miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cho biết trong hôm nay sẽ cấp 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng thị sát khu vực sạt lở làm hai người mất tích tại phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái. Thăm một số trường học tại đây, Thủ tướng yêu cầu địa phương "cố gắng cho các cháu đi học trở lại".
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.