Liên Hợp Quốc ước tính 1,8 triệu người Gaza phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra, phần lớn chen chúc ở những nơi trú ẩn, ở nhờ nhà người thân hoặc sống tạm bợ trong lều bạt, ôtô.
"Người dân ở khắp Gaza đang cần chăm sóc y tế khẩn cấp bởi họ đang thiếu nghiêm trọng lương thực, nước sạch, sống trong tâm lý lo sợ thường trực nên có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần lớn. Số ca nhiễm trùng cũng đang gia tăng", Margaret Harris, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 28/11 cho hay.
Bà nhấn mạnh quy mô sơ tán tăng đồng nghĩa với nhu cầu hàng ngày tăng, ngay cả khi không phát sinh thương vong mới vì thỏa thuận ngừng bắn, nhưng chỉ một lượng nhỏ hàng viện trợ vào được Gaza.
"Cuối cùng, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chết vì bệnh tật hơn bom đạn nếu không thể khôi phục hệ thống y tế và cung cấp nhu cầu sống cơ bản. Thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu để vận hành bệnh viện cũng rất cần thiết", bà Harris nói.
Bà cho hay số ca tiêu chảy ở Gaza cao gấp 45 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp hay các vấn đề về vệ sinh như chấy rận cũng tăng lên, nhưng người dân hầu như không có cơ hội điều trị.
Theo WHO, gần 3/4 số bệnh viện ở Gaza và 2/3 cơ sở khám chữa bệnh tuyến đầu đã đóng cửa vì bị phá hủy hoặc thiếu nhiên liệu. Khu vực phía bắc Gaza thậm chí nghiêm trọng hơn bởi các bệnh viện "gần như đóng cửa hoàn toàn".
Ngay cả với những bệnh đơn giản mà cha mẹ có thể phòng tránh được cho con như bù nước cho trẻ bị tiêu chảy cũng không thể thực hiện vì thiếu nước sạch.
James Elder, phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ngày 28/11 cho hay hàng viện trợ tới Gaza không đủ để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cơ bản và "mọi thứ ở Gaza đều là nhu cầu khẩn cấp".
Các nhân viên cứu trợ đang chạy đua để ước tính nhu cầu và cung cấp viện trợ cho người dân trong thời gian ngừng bắn. Thỏa thuận 4 ngày bắt đầu từ 24/11 được gia hạn hai ngày, đã cho phép đưa thêm viện trợ vào Gaza, tạo điều kiện để người dân tìm kiếm và chôn cất thân nhân. Tuy nhiên, họ không đủ thời gian để sửa chữa cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng như hệ thống xử lý nước và bệnh viện.
Ông cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ nghiêm trọng hơn nếu Israel tiếp tục không kích sau thời gian ngừng bắn. Tại một điểm phát hàng viện trợ ở phía bắc Gaza, người dân xếp hàng dài hơn 3 km để nhận bình gas về nấu nướng.
UNICEF đang cố gắng tạo ra không gian an toàn cho trẻ em, nhưng các em cần thời gian ngừng chiến lâu hơn để hàn gắn vết thương lòng. "Đây không phải nơi trẻ em có thể hồi phục, đặc biệt khi chúng vừa cắn móng tay vừa chờ đợi để xem liệu còn khoảng ngừng bắn nào nữa không", Elder nói.
Một quan chức cấp cao giấu tên người Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gây áp lực lên Israel để cải thiện nguồn cung cấp nước sạch, phòng ngừa khủng hoảng y tế ở Gaza.
"Chìa khóa để ngăn chặn các loại dịch bệnh như thương hàn, tả bùng phát, là tăng cường cung cấp nước uống và cải thiện vệ sinh", quan chức này nói. "Đó là lý do từ giai đoạn đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh cần đưa vào Gaza càng nhiều nhiên liệu càng tốt để cấp điện cho mọi thứ, từ máy bơm nước tới hệ thống khử muối ở phía nam. Nhiên liệu đang được đưa vào đã giúp tình thế thay đổi. Cần tiếp tục vận chuyển thêm nhiên liệu".
Israel bắt đầu chiến dịch tấn công toàn diện Dải Gaza sau vụ công kích bất ngờ của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10 khiến 1.200 người chết, chủ yếu là dân thường. Theo cơ quan y tế Hamas, chiến dịch của Israel khiến gần 15.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, trong đó hơn 2/3 là phụ nữ và trẻ em.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)