"Tôi đến giờ vẫn chưa hết sốc và lo lắng", một sinh viên Israel gốc Arab giấu tên cho biết hôm 8/11, kể về lần mình cùng hàng chục người phải cố thủ bên trong ký túc xá của Đại học Netanya hồi cuối tháng 10.
Người gốc Arab chiếm khoảng 20% dân số Israel. Khi xung đột Israel - Hamas bước sang tháng thứ hai, họ cho biết đang sống trong bất an vì số vụ tấn công và phạm tội do thù ghét nhắm vào người Arab đang gia tăng.
Hamas ngày 7/10 phát động cuộc tấn công chưa từng có vào Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, đồng thời bắt cóc hơn 240 người làm con tin. Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích và tấn công trên bộ vào Dải Gaza, khiến hơn 10.500 người chết, chủ yếu là dân thường.
Sinh viên trên cho hay trước vụ bao vây ký túc xá, cảnh sát Israel đã tới thẩm vấn họ vì cáo buộc ném trứng vào người Do Thái.
"Chúng tôi bác bỏ, nói rằng 'Ở đó có camera. Các ngài có thể kiểm tra'", sinh viên này nói. "Sau đó, một nhóm người tụ tập, định phá cửa ký túc xá và tấn công chúng tôi. Họ chửi bới, yêu cầu trục xuất chúng tôi".
Sinh viên này cho hay cảnh sát đã hộ tống họ lên tầng mái để bảo vệ, một số sĩ quan đứng ở cửa để ngăn người biểu tình vào trong.
Cảnh sát Israel cho biết sự việc xảy ra sau khi "một số ấn phẩm cũ kích động khủng bố được tái lưu hành" và họ đang cố gắng "chống lại các thông tin sai sự thật gây hoang mang cho công chúng".
"Những kẻ xúi giục bạo lực sẽ bị trừng phạt", cảnh sát Israel cho hay.
Jafar Farah, giám đốc Trung tâm Mossawa, nơi lưu giữ hồ sơ các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Israel gốc Arab, cho hay câu lạc bộ bóng đá cực hữu La Famillia là nhóm đã tổ chức cuộc biểu tình và vây hãm ký túc xá Đại học Netanya.
Ông chỉ trích lãnh đạo trường, cảnh sát và chính quyền thành phố Netanya đã không ngăn chặn được vụ tấn công. Miriam Feirberg, thị trường thành phố, cho hay những kẻ bạo loạn sẽ bị truy tố.
Ngoài việc làm gia tăng căng thẳng ở Israel, cuộc xung đột Gaza cũng khiến mối quan hệ giữa người Palestine và người Israel ở Bờ Tây xấu đi. Trước cuộc chiến, các nhóm nhân quyền cho hay người Israel gốc Arab thường xuyên đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc, dù họ có quốc tịch Israel.
"Chúng tôi để lại hết đồ đạc trong ký túc xá", sinh viên trên cho hay. "Người Arab chúng tôi giờ đây rất sợ quay lại trường học. Có người còn sợ quay lại phòng trọ".
Nadim al-Nashif, giám đốc 7amleh, tổ chức phi lợi nhuận về truyền thông xã hội, cho hay đã xác định được "590.000 cuộc trao đổi có nội dung bạo lực bằng tiếng Do Thái trên các nền tảng như Facebook và Telegram".
Trong số này có bài kêu gọi "Nakba thứ hai", nhắc đến cuộc di cư hàng loạt của 750.000 người Palestine năm 1948, trong cuộc chiến dẫn tới sự ra đời của nhà nước Israel, cũng như hành vi kích động sát hại và trục xuất người Palestine.
Ahmad Tibi, chính trị gia người Israel gốc Arab, cho hay những lời đe dọa nhắm vào người Arab thường xuyên diễn ra, ngay cả với các nghị sĩ quốc hội. "Tại sao cảnh sát không hành động dù đã nhiều lần nhận được khiếu nại?", ông đặt câu hỏi.
Công đoàn "Quyền lợi cho người lao động" ở Israel cho hay đã lưu hồ sơ các vụ tấn công vào tài xế gốc Arab, cảnh báo "hành vi bạo lực chống lại người gốc Arab đang gia tăng".
Một tài xế xe buýt đã bị hành khách xịt xăng vào người, sau khi họ biết anh ta là người Arab. Tài xế bị thương nhẹ khi xe đâm vào cột điện. Một tài xế khác bị tấn công khi hành khách "nhận ra anh ta là người Arab và hét lên 'khủng bố' rồi đập vỡ kính chắn gió của xe".
Hàng chục người Israel cánh hữu ngày 7/11 đã biểu tình ở khu phố Givat Shaul, phía tây Jerusalem, nơi sinh sống của nhiều người Do Thái, để phản đối một cửa hàng thuê nhân viên người Arab.
Cảnh sát đã ngăn người biểu tình vào cửa hàng và giải tán đám đông, nhưng 30 nhân viên người Arab ngày hôm sau không đi làm.
"Tôi quyết định ở nhà, vì tình hình rất nguy hiểm", Huda, nữ nhân viên cửa hàng, nói. "Chúng tôi không sử dụng phương tiện giao thông công cộng của Israel nữa vì e ngại các vụ tấn công phân biệt chủng tộc. Quản lý cửa hàng nói rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho chúng tôi".
Hồng Hạnh (Theo AFP)