Những ngày giáp Tết Ất Mùi, bà Nguyễn Thị Loan (52 tuổi, đội 7 thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn luôn tay chân với công việc đồng áng. Với gia đình bà Loan, xuân này vui hơn hẳn vì con trai đầu vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ, kết thúc chặng đường dài gian khổ nuôi con ăn học.
Nhớ lại thời điểm 6 năm trước, khi anh Lê Đức Hiền theo học khoa Luật tại ĐH Đà Lạt, bà Loan rưng rưng nước mắt. Ở vùng quê chiêm trũng lấy mảnh ruộng làm kế sinh nhai, hai vụ lúa mỗi năm không đủ nuôi 5 miệng ăn nên việc kiếm tiền cho con ăn học khó khăn muôn phần.
Thế nên khi con trai nhập học cũng là lúc ông Lê Hành (57 tuổi, chồng bà Loan) khăn gói lên tận Đà Lạt ở trọ, làm thuê đủ việc để nuôi con. "Cả gia đình cố gắng chắt chiu từng đồng. Nếu chồng tôi ở nhà thì sợ đồng tiền bị chia sẻ, sao đủ nuôi con. Mỗi năm chồng chỉ về nhà vào dịp Tết để thắp hương ông bà tổ tiên. Hết Tết ông ấy lại lên với con trai để con yên tâm học hành", bà Loan nói.
Thương cha mẹ vất vả, anh Hiền hoàn thành khóa cử nhân và được nhận vào ĐH Quy Nhơn giảng dạy, rồi tiếp tục học lên thạc sĩ. Ngoài anh Hiền, con gái đầu của gia đình đã tốt nghiệp cao đẳng, còn con út đang học cấp hai. Cả làng Nại Cửu ai cũng khâm phục nghị lực nuôi con của ông bà Loan - Hành.
Tương tự nhà bà Loan, gia đình ông Võ Ty (72 tuổi, đội 5, thôn Nại Cửu) cũng để lại tiếng thơm khi có đến 6 con tốt nghiệp đại học. Không giấu niềm tự hào, ông Ty giới thiệu có 3 con là giáo viên, 2 con công tác ở Bệnh viện Triệu Hải, một ở phòng địa chính huyện Triệu Phong.
Thời điểm các con ông Ty đi học đại học là giai đoạn sau đổi mới, kinh tế khó khăn. “Bố mẹ không biết chữ đầy tủi nhục, đi viết cái đơn cũng phải nhờ. Hơn nữa, ở vùng quê này chỉ có chữ mới làm được việc, thoát được nghèo. Cha mẹ chịu khổ cực quyết tâm nuôi con, còn con phải cố tâm học thành người”, ông Ty lý giải.
Đi khắp Nại Cửu, đâu đâu cũng nghe được câu chuyện cha mẹ nhẫn nại nuôi con cái học hành đỗ đạt. Những năm 1998-2000, khi máy tính cá nhân còn đắt đỏ thì nhiều nhà ở miền quê nghèo này đã sắm cho con học.
Truyền thống hiếu học ở vùng đất khó này thể hiện qua con số hơn 500 con em, dâu rể của Nại Cửu là giáo viên ở khắp mọi miền đất nước. Trong đó, khoảng 180 giáo viên đang công tác và sinh sống tại làng.
Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Long (77 tuổi, quê Nại Cửu, hiện trú thị xã Quảng Trị) cho hay, nghề giáo ở Nại Cửu kế thừa truyền thống của ngài Võ Tử Văn thời vua Tự Đức. Khi xưa, ngài Võ Tự Văn đỗ phó bảng, được nhà vua mời vào triều dạy con rồi cho vào Quốc tử giám tu nghiệp, đem hết tài văn chương giáo hóa học sinh đương thời. 37 năm trong nghề, thầy Long cũng hướng nghiệp nhiều con em trong làng theo nghề “gõ đầu trẻ”.
Còn theo ông Trần Dưỡng, Bí thư Đảng ủy bộ phận làng Nại Cửu, con cháu chọn nghề giáo một phần do chính sách ưu tiên học phí dành cho sinh viên sư phạm từng được áp dụng. 750 hộ dân với 2.700 khẩu mà chỉ bình quân 400 m2 ruộng đất/người biến Nại Cửu thành ngôi làng nghèo nhất xã Triệu Đông. “Hoàn cảnh khó khăn khiến con em vùng đất này nỗ lực, vươn lên trong học tập những mong thoát nghèo”, ông Võ Văn Bắc, Phó chủ tịch xã Triệu Đông nói.
Lượng nhà giáo đông đảo khiến Nại Cửu trở thành ngôi làng đặc biệt, với danh xưng “làng giáo viên”. Trong ngày Nhà giáo Việt Nam 2014, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo viên, làng thành lập Câu lạc bộ nhà giáo Nại Cửu, làm nơi sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ.
Đi đôi với hiếu học, người Nại Cửu rất chú trọng việc khuyến học. Làng có 3 quỹ khuyến học dành riêng cho từng đối tượng, gồm quỹ của dòng họ, quỹ của làng thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi; và quỹ Võ Tử Văn dành cho con em có thành tích xuất sắc.
Trong lễ Xuân Thủ vào mùng 6 Tết Nguyên đán, những con em có thành tích xuất sắc được xướng danh nhận học bổng của làng và học bổng Võ Tử Văn. Còn quỹ dòng họ phát vào dịp hè. “Dù chỉ dành cho học sinh giỏi nhưng mỗi năm làng có 110-180 học sinh, sinh viên nhận học bổng. Kinh phí học bổng hàng năm lên đến 80 triệu đồng, có năm đến 100 triệu”, Phó chủ tịch xã thông tin.
“Đích thân con em phải đến nhận giải, không được vắng mặt trong lễ Xuân Thủ. Một phần là để các cháu biết được người Nại Cửu trân trọng sự học, mặt khác là để thắp nén nhang báo công với các bậc tổ tiên”, Bí thư Đảng ủy bộ phận làng Nại Cửu nói và cho hay cả làng hiện có 4 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, và hàng trăm bác sĩ, thạc sĩ, cử nhân…
Nhiều thế hệ con em Nại Cửu thành đạt khắp cả nước nay quay trở về báo hiếu thế hệ đi trước. Những công việc của cộng đồng như xây dựng thiết chế văn hóa, đường làng nông thôn mới, quỹ khuyến học... đều có sự đóng góp của con em trong làng đang làm ăn phương xa.
“Ở Nại Cửu, việc học trở thành một lẽ sống. Không học thì không nâng cao được đời sống, hạnh phúc cá nhân. Không học thì không góp phần xây dựng đất nước”, thầy Long răn dạy thế hệ sau.
5 thế kỷ hình thành và phát triển, Nại Cửu nổi tiếng là làng hiếu học bậc nhất tỉnh Quảng Trị. Thời kỳ nào làng cũng có văn nhân vinh hiển đường khoa cử, được xướng danh trên bảng vàng. Tiêu biểu là ngài thượng thư Trần Thoại, đỗ “Đệ nhất giáp tiến sĩ thám hoa cập đệ tam danh” tại khoa thi đời vua Lê Hiển Tông (năm 1739); ngài Võ Tử Văn, đỗ phó bảng dưới triều vua Tự Đức. |
Hoàng Táo