"Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những lời đe dọa xâm lược Israel cùng những luận điệu nguy hiểm khác, Ngoại trưởng Israel Katz chỉ đạo cán bộ ngoại giao khẩn trương tiếp xúc với mọi thành viên NATO, kêu gọi lên án Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu khai trừ nước này khỏi liên minh khu vực", Bộ Ngoại giao Israel ngày 29/7 thông báo.
Ngoại trưởng Katz cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "bước vào trục ma quỷ của Iran", cách gọi của Tel Aviv về liên minh chống Israel do Tehran dẫn đầu, gồm các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Dải Gaza và Houthi ở Yemen.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952, giúp liên minh kiểm soát vị trí chiến lược tại điểm giao giữa châu Âu và châu Á, nối giữa Biển Đen với Trung Đông. Đây là nơi Mỹ đặt một căn cứ không quân lớn và cất giữ vũ khí hạt nhân. Nước này cũng giữ vai trò quan trọng ở chiến sự Ukraine, khi vừa duy trì quan hệ ổn định với Nga vừa viện trợ vũ khí cho Ukraine và là trung gian đàm phán giữa hai phía.
Một ngày trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gây bất ngờ khi bình luận về khả năng "tiến vào" Israel tương tự cách can thiệp vào nội chiến Libya và tranh chấp lãnh thổ Armenia - Azerbaijan ở vùng Nagorno - Karabakh.
Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ "buộc phải mạnh mẽ" để cứu nhân dân Palestine, đồng thời cảnh báo "không điều gì là không thể".
Dù Tổng thống Erdogan không nói cụ thể hành động dự tính với Israel, hai ví dụ mà ông đưa ra trong phát biểu tại sự kiện của đảng cầm quyền đều là can thiệp quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020 đưa quân đến Libya hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNU) được Liên Hợp Quốc công nhận và Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah. Viện trợ quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là công nghệ máy bay không người lái (UAV) và huấn luyện, góp phần lớn giúp Azerbaijan thu hồi vùng Nagorno - Karabakh vào năm ngoái sau các cuộc đụng độ với lực lượng ly khai được Armenia hậu thuẫn.
Truyền thông Israel ngày 28/7 cáo buộc ông Erdogan đe dọa "xâm lược" nước này. Ngoại trưởng Katz ngày 29/7 đăng bài trên mạng xã hội chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ "đe dọa tấn công Israel" và ám chỉ ông có thể chịu chung số phận với cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phản pháo, lặp lại cáo buộc các lãnh đạo Israel muốn "hủy diệt nhân dân Palestine", nhấn mạnh nhân loại lẫn lịch sử đều đứng về phía Palestine. Fahrettin Altun, người phát ngôn của ông Erdogan, lên án Israel đe dọa trực tiếp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo Tel Aviv "trả giá đắt".
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chỉ trích Israel gay gắt nhất kể từ khi cuộc chiến ở Dải Gaza nổ ra vào tháng 10/2023. Tổng thống Erdogan xem Hamas là "nhóm giải phóng", nhiều lần cáo buộc Israel phạm tội "diệt chủng" đối với người Palestine ở Dải Gaza.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 dừng xuất nhập khẩu mọi mặt hàng với Israel cho đến khi nước này đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza "đầy đủ và thông suốt". Đầu tháng 7, tại hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Erdogan kêu gọi liên minh chấm dứt mọi hợp tác với Israel vì nước này theo đuổi các chính sách "liều lĩnh".
Thanh Danh (Theo Times of Israel, Reuters, AP)