
Chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán được cho là nơi dịch bệnh khởi phát. Ảnh: New York Post.
Các chuyên gia chưa thể khẳng định chắc chắn nguồn gốc của chủng virus corona mới đang gây ra dịch viêm phổi ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, Conversation hôm nay đưa tin. Tuy nhiên, một số cho rằng virus này phát tán từ chợ hải sản Huanan ở thành phố Vũ Hán. Tại khu chợ, người mua tiếp xúc với động vật gặm nhấm, thỏ, dơi, nhiều loài động vật hoang dã và hải sản.
Trong hai thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh nghiêm trọng như cúm gia cầm H5N1, SARS, Ebola, MERS, sốt Chikungunya, bệnh do virus Zika và giờ là nCoV. Các virus gây bệnh trên, thậm chí đến khoảng 2/3 virus xuất hiện gần đây, đều bắt nguồn từ động vật rồi lây sang người.
Điều này nhấn mạnh rằng, có nhiều thành phần của hệ sinh thái tham gia trong một đợt bùng phát dịch bệnh. Ví dụ, động vật gặm nhấm và dơi hoang dã mang nhiều loại virus có khả năng lây cho người và động vật khác. Khi chúng bị tách khỏi môi trường sống tự nhiên và tiếp xúc gần với con người, sự truyền nhiễm vốn rất hiếm gặp lại dễ xảy ra hơn.
Sự lây nhiễm khác loài của các mầm bệnh rất phức tạp. Quá trình này có thể diễn ra qua tiếp xúc trực tiếp, ăn thịt động vật hoang dã hoặc qua vật chủ trung gian là côn trùng mang bệnh. Hàng loạt yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng Mặt Trời, mưa theo mùa và đất cũng có thể tác động đến quá trình lây nhiễm.
Dù thế giới tự nhiên rất phức tạp, phương pháp để hiểu cách tương tác giữa mầm bệnh với vật chủ (gồm người và động vật) lại đơn giản hơn. Các nhà khoa học thường chỉ tập trung vào một loài vật tại một thời điểm, nghiên cứu dưới các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và luồng không khí cố định. Phương pháp này giúp họ hiểu được quá trình lây bệnh.
Hai giáo sư tại Đại học Bang Colorado, Richard Bowen và Alan Rudolph, cùng đồng nghiệp thiết lập "hệ sinh thái nhân tạo" trong phòng thí nghiệm để mô phỏng các điều kiện phức tạp trong thế giới thực. Qua đó, họ nắm được thêm thông tin về cách virus và các mầm bệnh khác xuất hiện và trở thành mối đe dọa cho con người.
Việc mầm bệnh trực tiếp "nhảy" từ động vật sang người trong tự nhiên vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên, trong những khu chợ như Huanan ở Vũ Hán, có rất nhiều cơ hội để sự lây nhiễm khác loài xảy ra.

Chợ bán động vật sống ở Indonesia (trái) và chợ động vật được tái dựng trong phòng thí nghiệm (phải). Ảnh: Conversation.
Vì các mầm bệnh mà nhóm chuyên gia tại Đại học Bang Colorado nghiên cứu nguy hiểm và có tính truyền nhiễm, họ vô cùng thận trọng để chúng không thể thoát khỏi phòng thí nghiệm. Hệ sinh thái được thiết lập với các điều kiện an toàn sinh học nghiêm ngặt. Toàn bộ không khí thải ra đều được lọc. Nhân viên phải đeo mặt nạ phòng độc, mặc đồ bảo hộ và tắm rửa trước khi ra ngoài.
Khi nghiên cứu cúm gia cầm H5N1, nhóm nhà khoa học lập những nông trại nhân tạo với vịt, gà, bồ câu, chim hoét đen và chuột cùng chung sống. Chúng tự do tương tác, chia sẻ nguồn thức ăn và nước chung. Giống như với nông trại thực, chuột không ra khỏi nơi trú ẩn vào ban ngày. Ban đêm, camera cho thấy chúng chạy quanh phòng, tắm trong bể nước và quấy nhiễu vịt. Tiếp theo, các nhà khoa học thả vài con vịt nhiễm bệnh vào phòng rồi theo dõi xem sự lây nhiễm xảy ra như thế nào.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm chuyên gia tìm hiểu sự lây nhiễm của một loại virus cúm gia cầm khác với gà, chim cút, gà lôi, thỏ được nhốt trong lồng như ngoài chợ bán động vật sống. Thêm vào đó, sẻ và bồ câu được thả tự do trong phòng, tương tác với các động vật bị nhốt. Giống như dự đoán, những con chim nhốt bên dưới cá thể nhiễm virus có khả năng lây bệnh cao hơn, do chất thải đi xuống dưới. Chim cút là sinh vật dễ lây bệnh nhất.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện nhiều điều quan trọng với phương pháp hệ sinh thái nhân tạo. Ví dụ, virus cúm gia cầm lây truyền giữa các loài chim và thú khác nhau khi chúng tương tác tự do trong nông trại hay chợ động vật nhân tạo. Họ cũng phát hiện lượng lớn virus tồn tại trong những nguồn nước chung.
Gần đây, nhóm nhà khoa học đã xây dựng các hệ sinh thái nhân tạo phức tạp hơn cho phép điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, thậm chí tạo mưa và gió. Qua đó, họ có thể đánh giá những điều kiện môi trường thúc đẩy sự lây lan của virus.
Dù sự tương tác trong thế giới thực rất phức tạp, các nhà khoa học thường chỉ tập trung vào sự lây nhiễm ở một loài trong một thời điểm khi nghiên cứu mầm bệnh mới. Điều này phần nào do quy trình chấp thuận phương pháp chẩn đoán hoặc vaccine mới. Quy trình này đòi hỏi phải chứng minh rõ ràng tính an toàn và hiệu quả ở các mô hình động vật cụ thể.
Nhóm nhà khoa học tại Đại học bang Colorado hy vọng phương pháp nghiên cứu mới có thể mang lại những thông tin thiết thực về cách mầm bệnh lây truyền giữa nhiều loài vật, trong đó có lây từ động vật sang người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán, điều trị hoặc vaccine mới. Việc hiểu sự lây nhiễm ở các vật chủ tự nhiên trong hệ sinh thái hỗn hợp mô phỏng quá trình lây truyền ngoài thế giới thực rất quan trọng. Điều này giúp giới chuyên gia phát triển các phương pháp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Thu Thảo (Theo Conversation)