Khi tên lửa Triều Tiên nổ tung ngay khi vừa phóng được vài giây ngày 16/4, có nghi ngờ rằng chương trình của Mỹ đã phá hoại vụ thử nghiệm. Theo NYTimes, việc này dường như rất có khả năng: 88% các vụ phóng của tên lửa đe dọa nhất của Triều Tiên đã tự phá hủy kể từ khi chương trình bí mật của Mỹ được đẩy mạnh ba năm trước đây.
Các nguồn tin của NYTimes cho biết chương trình tấn công mạng để phá hoại tên lửa mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy năm 2014 đã được chính quyền Trump nhiệt tình tiếp nối. Ngoại trưởng Mỹ tuần trước cũng nói rằng ông ủng hộ việc dùng công cụ mạng để làm gián đoạn chương trình vũ khí nguy hiểm.
NYTimes đã đáp ứng yêu cầu của chính quyền là không nêu rõ chi tiết về chương trình để bảo mật thông tin.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Trong ngành tên lửa, các chuyên gia nói rằng khoảng 5 - 10% cuộc thử nghiệm không như mong đợi. Tuy nhiên, tần suất gặp sự cố của tên lửa Triều Tiên cho thấy có khả năng chương trình phá hoại đứng đằng sau ít nhất một số trong những thất bại gần đây.
Thông thường, các nước gặp tỷ lệ thất bại cao khi họ bắt đầu chương trình tên lửa. Khi chương trình ngày càng phát triển và các kỹ sư có thêm kinh nghiệm thì xu hướng thành công cao hơn. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, tình hình lại trái ngược.
Nhìn chung, Triều Tiên là một nhà sản xuất tên lửa đáng tin cậy vào những năm 1980, 1990 và đầu những năm 2000. Triều Tiên đã bán tên lửa cho Pakistan, Iran và một số các nước khác.
Sau đó, Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm Musudan, tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng lần đầu khoe trong cuộc duyệt binh cuối năm 2010. Tên lửa được di chuyển bằng xe tải, nó có thể được kéo trên đường, qua các khu vực có rừng hoặc giữ trong đường hầm, làm cho nó dễ dàng được che giấu và rất khó để bị phát hiện và phá hủy.
Tầm bắn của Musudan khiến nó trở thành một trong những vũ khí đe dọa tiềm tàng nhất trong kho tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Nó được cho là có khả năng bắn trúng mục tiêu lên đến 3.000 km, đủ xa để tấn công căn cứ Mỹ tại Guam.
Tầm bắn của tên lửa Triều Tiên
Năm ngoái, Triều Tiên tiến hành 8 cuộc thử tên lửa. Chỉ có một thành công, khiến tỷ lệ thất bại chung là 88%. Sau thất bại cuối cùng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh điều tra liệu Mỹ có phá hoại các vụ thử nghiệm của nước mình hay không, và truy tìm gián điệp trong hệ thống nội bộ.
Các chuyên gia nói rằng cách tốt nhất để làm chậm một chương trình là khiến đất nước đó hoang mang tìm kiếm nguyên nhân thất bại. "Gây rối những cuộc thử nghiệm là cách khá hiệu quả để ngăn chặn chương trình tên lửa liên lục địa (ICBM) của họ", William J. Perry, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói.
Nhưng hiệu quả của chương trình phá hoại ngày càng không chắc chắn. Một số thiết kế tên lửa mới, sử dụng nhiên liệu rắn của Triều Tiên có tỷ lệ thành công cao hơn. Hơn nữa, Triều Tiên cũng phát triển tốt hơn về an ninh mạng.
John Schilling, một chuyên gia kỹ thuật về chương trình tên lửa của Triều Tiên, bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các cuộc tấn công mạng nhằm vào tên lửa của Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi chưa nhìn thấy bất cứ điều gì chỉ ra rằng đó là do tấn công mạng", tiến sĩ Schilling nói.
Một mục tiêu dễ dàng phá hoại hơn là các bộ phận và hàng hóa mà Triều Tiên nhập khẩu cho các nhà máy chế tạo tên lửa, ông Schilling nói thêm.
Nhà quan sát Triều Tiên lâu năm Martyn Williams nói rằng các nhà khoa học Triều Tiên đã phát triển một thiết bị mã hóa lượng tử mà có thể hoàn toàn bảo mật hệ thống thông tin trước tin tặc, nghe trộm và phá hoại.
Những nỗ lực đó có thể "cản trở khả năng của cơ quan tình báo nước ngoài trong việc theo dõi và tác động đến hệ thống của Triều Tiên trong thời gian thực", Williams viết.
Người Triều Tiên nghĩ gì về vũ khí hạt nhân
Phương Vũ