Ngày hội STEM 2018 dành cho học sinh từ 8 đến 18 tuổi khu vực phía Bắc diễn ra từ 8h đến 17h ngày 13/5 tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). STEM là viết tắt của khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics). Đây là mô hình giáo dục hiện đại được triển khai tại nhiều nước Âu - Mỹ.
Với chủ đề "Chạm oooo - Touch oooo" (chạm vào cách mạng công nghệ 4.0), Ban tổ chức hy vọng giúp học sinh bắt đầu tập học cách học và học cách giải quyết vấn đề thông qua thực hành, thực nghiệm công nghệ mới của thời đại 4.0 như in 3D, trí tuệ nhân tạo, lập trình robot tự hành, thực tế ảo.
Ngày hội STEM lần thứ tư được tổ chức, trong khuôn khổ Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, là cơ hội để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Sự kiện dự kiến đón 3.000 lượt học sinh và 500 lượt cha mẹ, giáo viên và nhà quản lý giáo dục.
Ba điểm mới của ngày hội STEM
Tại buổi họp báo thông tin về ngày hội hôm nay, tiến sĩ Đặng Văn Sơn, thành viên Ban tổ chức cho biết, so với các năm trước, sự kiện năm nay có bốn điểm mới. Thứ nhất, ngày hội ngày càng thu hút sự tham gia của các địa phương khu vực phía Nam. Năm nay hai đại diện mới bên ngoài Hà Nội là trường THPT An Dương và trường THPT chuyên Hưng Yên sẽ đem tới ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề thiết thực mang tính địa phương.
Thứ hai, học sinh có cơ hội tham quan, thực nghiệm thí nghiệm tại những phòng lab hiện đại của Đại học Khoa học tự nhiên, như: phòng thí nghiệm của Trung tâm Nano và Năng lượng - phòng thí nghiệm hiện đại nhất Việt Nam hiện nay; phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzyme và protein; phòng thí nghiệm trọng điểm phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm... Đó đều là nơi tạo ra nhiều sáng chế, phát minh, công bố quốc tế trên các tạp chí hàng đầu về khoa học và công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam.
Thứ ba, tại ngày hội STEM, Đại học Khoa học tự nhiên sẽ phát động cuộc thi tìm hiểu Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học cho học sinh toàn quốc, trong đó chủ yếu là khối trung học phổ thông. Các em sẽ trải nghiệm thí nghiệm hóa học được lồng ghép kịch có nội dung liên quan tới bảng tuần hoàn.
Các hoạt động chính
Hai hoạt động lớn dành cho học sinh tham gia ngày hội (đăng ký trước) bao gồm: Labtour (thăm các phòng thí nghiệm và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ); lớp học STEM (trải nghiệm một tiết học định hướng: lập trình, robot, hóa học vui, toán học ứng dụng...).
Ngoài ra, nhiều hoạt động tự do dành cho học sinh (không cần đăng ký trước) được tổ chức tại khu vực trưng bày. Các trường sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm khám phá khoa học như giải mật mã, makey makey (chơi nhạc cụ với trái cây), nhiễm điện do cọ sát, ống ma thuật, vẽ tranh bằng con lắc đơn, xây dựng mô hình gỗ Kapla, cân bằng trong thế giới tự nhiên, xe robot tự hành, bong bóng xà phòng...
Ở khu vực này, học sinh còn được trải nghiệm một số hoạt động như tập làm index, làm đồ tái chế, làm xe bóng bay, làm con rối, làm thí nghiệm vui, xem trình diễn robot xếp rubic, xem một thí nghiệm về chất nổ...
Song song với hoạt động dành cho học sinh còn có hội thảo dành cho phụ huynh và giáo viên, nhằm đưa ra một số gợi ý với các bài dạy định hướng STEM.
Tại buổi họp báo, hai học sinh lớp 8H, trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) đã trình diễn cánh tay robot điều khiến bằng suy nghĩ. Đề tài này đã được trao giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố và giải nhì cấp quốc gia năm nay. |